Ủy hội sông Mekong quốc tế vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 (Hiệp định Mekong1995).
Hiệp định Mekong 1995 được ký vào ngày 5/4/1995 tại Chiềng Rai, Thái Lan bởi đại diện Chính phủ bốn quốc gia: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong sử dụng, phát triển và bảo vệ bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong. Việc ký kết Hiệp định đã đặt nền móng cho sự ra đời của Ủy hội sông Mekong quốc tế (Ủy hội).
Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong 1995 là văn kiện pháp lý nền tảng, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của bốn quốc gia hạ lưu vực Mekong là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong việc hợp tác quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước sông Mekong. Hiệp định quy định nguyên tắc hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời thiết lập các cơ chế cụ thể về giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng đề ra các lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm: điều phối phát triển lưu vực, quản lý tài nguyên nước, phát triển bền vững nông nghiệp, thủy điện, thủy sản và giao thông thủy, bảo vệ môi trường và ứng phó thiên tai.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ ((Nguồn: Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế)
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Chanthanet Boualapha, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, Ủy viên thay thế Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế của Lào, nhấn mạnh tinh thần hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong cam kết bảo vệ, quản lý và phát triển bền vững dòng sông chung.
Ông Chanthanet Boualapha khẳng định tầm quan trọng của sông Mekong đối với sự phát triển bền vững lưu vực, đồng thời mang lại các giá trị kinh tế - xã hội to lớn cho cộng đồng dân cư. Trước bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng, gia tăng dân số và áp lực ngày càng lớn từ các hoạt động phát triển, ông kêu gọi tăng cường hợp tác để gìn giữ dòng sông Mekong vì sự thịnh vượng chung của toàn lưu vực.
Đặc biệt, sau 30 năm thực hiện Hiệp định Mekong 1995, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào quản lý bền vững tài nguyên nước và thúc đẩy hợp tác khu vực.
Ủy hội cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược quan trọng về phát triển lưu vực, phát triển thủy điện bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ và hạn, bảo vệ môi trường và bảo vệ, phát triển thủy sản.
Đại diện các Ủy ban sông Mekong quốc gia, Đối tác phát triển và Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội chụp ảnh lưu niệm (Nguồn: Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế)
Cùng với đó, Trung tâm Quản lý lũ và hạn lưu vực Mekong đã được thành lập, hỗ trợ hiệu quả công tác dự báo và cảnh báo sớm thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu. Ủy hội cũng đã mở rộng và nâng cấp mạng lưới các trạm quan trắc về khí tượng thủy văn, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái thuỷ sinh và chất lượng nước, hoàn thiện và cập nhật Bộ Công cụ hỗ trợ ra quyết định, Cơ sở dữ liệu và Kiến thức, xây dựng và tích cực thực hiện Bộ Quy chế sử dụng nước cùng các hướng dẫn kỹ thuật đi kèm, đặc biệt là thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận cho các đề xuất dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong tạo nền tảng vững chắc cho điều phối và quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới.
Bà Busadee Santipitaks, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế cho biết, thời gian tới, Ủy hội sẽ tập trung đổi mới chính sách, ứng dụng công nghệ cho công tác dự báo, cảnh báo, giám sát và mở rộng việc áp dụng các sản phẩm kỹ thuật của Ủy hội tại các quốc gia thành viên.
Bà Busadee Santipitaks cam kết, Ủy hội sẽ tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật đắc lực cho các quốc gia Ủy hội thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và các thủ tục liên quan, đặc biệt là trong tham vấn các công trình phát triển của các quốc gia trên lưu vực sông Mekong. Bà Busadee Santipitaks cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong lưu vực.