Sign In

Nhân tố khí tượng gây lúa kết hạt kém tại Thanh Hoá, Nghệ An

15:00 23/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Vụ đông xuân năm 2025 tại các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đã ghi nhận hiện tượng lúa trỗ không thoát, kết hạt kém và tỷ lệ hạt lép cao, gây thiệt hại lớn về năng suất và sinh kế nông hộ.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tiến hành phân tích số liệu quan trắc khí tượng tại các trạm địa phương, kết hợp với thông tin sản xuất từ thực địa. Từ đó, làm rõ các nguyên nhân liên quan đến yếu tố khí tượng gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong giai đoạn phân hóa đòng - trỗ bông. 

Diễn biến khí tượng trong thời kỳ lúa phân hóa đòng và trỗ bông 

Sự phát triển và năng suất của cây lúa phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, ánh sáng (số giờ nắng), và độ ẩm trong từng giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông. Giai đoạn phân hóa đòng đòi hỏi điều kiện nhiệt độ ổn định từ 25-29°C, trong khi giai đoạn trỗ bông và thụ phấn yêu cầu nền nhiệt từ 23-28°C, với số giờ nắng trung bình từ 3 giờ trở lên. Nếu các điều kiện này không được đáp ứng, cây lúa rất dễ gặp phải hiện tượng trỗ không thoát, lép xanh, hoặc thoái hóa đầu bông.

Trong khi đó, vụ đông xuân năm 2025, tại Nghệ An và Thanh Hóa ghi nhận sự xuất hiện liên tiếp của ba đợt không khí lạnh bất thường trong tháng 3, tháng 4 - rơi đúng vào giai đoạn mẫn cảm của cây lúa. Cụ thể: 

Đợt 1 (1-3/3): Nhiệt độ trung bình ngày tại các trạm giảm sâu, xuống dưới 15°C. Một số nơi như Diễn Châu (Nghệ An) và Bái Thượng (Thanh Hóa) ghi nhận nhiệt độ tối thấp dưới 13°C. Đây là thời kỳ bắt đầu phân hóa đòng của các diện tích gieo cấy sớm.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra lúa vụ xuân của Nghệ An bị lép hạt trên diện rộng. Ảnh: Ngọc Linh/Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Đợt 2 (30/3-2/4): Nhiệt độ trung bình tại nhiều trạm dao động quanh 14-15°C, thấp hơn ngưỡng yêu cầu tới 10°C. Số giờ nắng trong ngày giảm mạnh, phổ biến dưới 2 giờ/ngày - ngưỡng gây cản trở đáng kể đến sinh lý phát triển của cây lúa.

Đợt 3 (11-13/4): Xảy ra vào giai đoạn trỗ của các diện tích gieo cấy sớm (trỗ từ 10-15/4), nền nhiệt tiếp tục giảm về 15-17°C kèm theo độ ẩm không khí cao, thiếu ánh sáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển phấn hoa và thụ phấn. 

Dữ liệu từ các trạm khí tượng ở cả hai tỉnh cho thấy sự đồng bộ về diễn biến các yếu tố khí hậu bất lợi. Tại Nghệ An, các trạm Vinh, Đô Lương, Diễn Châu, Con Cuông ghi nhận chuỗi nhiệt độ thấp kéo dài và số giờ nắng cực thấp vào các đợt nêu trên. Tại Thanh Hóa, các trạm Bái Thượng, Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Như Xuân, Bá Thước đều đồng loạt ghi nhận các đợt lạnh, với nhiệt độ trung bình ngày trong các thời điểm trên giảm xuống sát ngưỡng 13-15°C. 

So sánh với trung bình nhiều năm, nền nhiệt năm 2025 giảm rõ rệt trong toàn bộ tháng 3 và một nửa đầu tháng 4 - phản ánh tính cực đoan, bất thường và kéo dài của không khí lạnh trong vụ đông xuân năm nay.

Tất cả các yếu tố trên tạo nên một tổ hợp điều kiện thời tiết bất lợi nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến các quá trình sinh lý mẫn cảm nhất của cây lúa. Điều này dẫn đến rối loạn phân hóa đòng, thoái hóa phấn hoa, trỗ bông không thoát, tỷ lệ hạt lép cao và năng suất giảm mạnh - như thực tế đã xảy ra trên hàng nghìn ha tại Nghệ An và Thanh Hóa trong vụ đông xuân 2025. 

Diễn biến nhiệt độ ngày (Ttb) trong tháng 3-tháng 4 năm 2025; nhiệt độ ngày trung bình nhiều năm (TBNN) tại các trạm quan trắc ở tỉnh Thanh Hóa và ngưỡng sinh trưởng phù hợp củ cây lúa đối với nhiệt độ

Phản ứng sinh lý của cây lúa và hiện tượng kết hạt kém

Trong vụ đông xuân 2025, các đợt không khí lạnh kết hợp thiếu nắng và độ ẩm cao xảy ra trùng với các giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phản ứng sinh lý của cây lúa tại Nghệ An và Thanh Hóa. 

Giai đoạn phân hóa đòng: Nhiệt độ thấp dưới 16°C trong nhiều ngày đã làm chậm hoặc ngừng hoàn toàn quá trình phân hóa mầm hoa. Điều này khiến cây không hình thành đầy đủ cơ quan sinh sản hoặc hình thành nhưng phát triển không hoàn chỉnh.

Giai đoạn trỗ bông: Phấn hoa không thể chín và nở do nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng, dẫn đến tỷ lệ thụ phấn thấp hoặc bằng không. Tình trạng phấn lép, phấn chết xảy ra phổ biến, đặc biệt ở những vùng có nhiệt độ tối thấp dưới 13°C và số giờ nắng dưới 2 giờ.

Giai đoạn thụ phấn và tích lũy: Nhiệt độ thấp và độ ẩm cao làm giảm hiệu suất quang hợp, cây không tổng hợp đủ tinh bột để nuôi hạt, khiến nhiều hạt bị lép xanh, bông không cúi.

Trên thực tế, tại Nghệ An, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tượng lúa trỗ không thoát, bông lép xanh, không kết hạt đã ảnh hưởng đến hơn 2.500 ha, đặc biệt tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn, Nghi Lộc, Thái Hòa. Tỷ lệ hạt lép phổ biến từ 40-60%, có nơi lên tới trên 70%. Nhiều nông dân đã phải gặt lúa non làm thức ăn cho gia súc, do không thể thu hoạch được sản lượng.

Diễn biến nhiệt độ ngày (Ttb) trong tháng 3-tháng 4 năm 2025; nhiệt độ ngày trung bình nhiều năm (TBNN) tại các trạm quan trắc ở tỉnh Nghệ An và ngưỡng sinh trưởng phù hợp củ cây lúa đối với nhiệt độ

Tại Thanh Hóa, các xã như Thuận Minh và Thọ Lập (huyện Thọ Xuân) cũng ghi nhận thiệt hại tương tự. Một số hộ gieo cấy các giống KU57, An Nông 1424, Phú Ưu 15 đã mất trắng toàn bộ diện tích. Nhiều hộ dân cho biết bông lúa đứng thẳng, không cúi đầu, năng suất chỉ đạt 50-80kg/sào. Chính quyền địa phương xác nhận đây là những giống không nằm trong cơ cấu được phê duyệt cho vụ xuân 2025, và cũng không được trình diễn theo đúng quy trình, dẫn tới thiệt hại không được cảnh báo sớm.

Bên cạnh đó, một số nhân tố khác cũng có thể là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa như: Gieo cấy sớm hơn khuyến cáo 10-15 ngày khiến giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông rơi đúng vào thời điểm xảy ra không khí lạnh; Chọn giống mẫn cảm với điều kiện thời tiết lạnh và thiếu nắng; Khu vực đồng trũng và đất giữ ẩm cao, vi khí hậu lạnh hơn trung bình, làm kéo dài ảnh hưởng của rét. 

Như vậy, phản ứng sinh lý của cây lúa trước tổ hợp điều kiện khí tượng bất lợi, cụ thể nhiệt thấp hơn nhiều so với ngưỡng thuận lợi cho cây lúa, là nguyên nhân trực tiếp gây hiện tượng không kết hạt trong vụ xuân 2025. 

Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tích hợp yếu tố khí hậu vào hướng dẫn sản xuất và cảnh báo rủi ro khí hậu mùa vụ. Kết quả này cũng minh chứng thực tế cho tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao diễn biến khí tượng, tuân thủ lịch thời vụ, lựa chọn giống phù hợp và điều chỉnh kỹ thuật canh tác để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Cần tăng cường tích hợp thông tin khí tượng vào quản lý mùa vụ 

Nghiên cứu hiện tượng lúa đông xuân không kết hạt tại Nghệ An và Thanh Hóa trong vụ xuân 2025 góp phần khẳng định tác động rõ rệt của biến động khí hậu đến sản xuất nông nghiệp. Các phân tích, đánh giá cũng cho thấy tầm trọng của việc tích hợp thông tin khí tượng vào quá trình ra quyết định trong quản lý mùa vụ, hiện đại hóa dịch vụ khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần rà soát, ban hành cơ chế phối hợp liên ngành, như Khung Dịch vụ khí hậu quốc gia (NFCS), làm nền tảng thể chế cho phối hợp liên ngành giữa các đơn vị khí tượng thủy văn và nông nghiệp. 

Trong thực tế sản xuất, cần cập nhật bản đồ thời vụ, giống phù hợp theo vùng khí hậu nông nghiệp và tích hợp vào kế hoạch sản xuất địa phương. Tăng cường chất lượng và độ phủ của bản tin khí hậu vụ, nhất là các cảnh báo sớm về rét, hạn, nắng nóng kéo dài.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần phát triển các dịch vụ khí hậu số và công cụ hỗ trợ quyết định cho nông dân và cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức tổng kết vụ đông xuân 2025 như một bài học thực tiễn, từ đó điều chỉnh quy trình quản lý mùa vụ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

 

 

TS. Nguyễn Quốc Khánh, TS. Nguyễn Đăng Mậu, TS. Nguyễn Hữu Quyền, ThS. Nguyễn Hồng Sơn - Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ Văn và Biến đổi khí hậu

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Hiện đại hóa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Hiện đại hóa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khí tượng thủy văn: Cơ hội đổi mới từ nghiên cứu khoa học

Khí tượng thủy văn: Cơ hội đổi mới từ nghiên cứu khoa học

Nghị quyết 57 đã mở ra cơ hội vàng cho khoa học ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) tiếp tục đổi mới, tiên phong trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

ĐBSCL chủ động trữ nước, kiểm soát mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào mùa mưa 2025 với lượng mưa xuất hiện trên diện rộng, phổ biến từ 30 - 50mm, có nơi trên 70mm. Mưa lớn giúp đẩy lùi ranh mặn, cải thiện đáng kể tình hình xâm nhập mặn tại các cửa sông chính, với nồng độ 4g/l chỉ còn vào sâu khoảng 30km.

Người đang online: 243

Lượt truy cập: 208,150

Chung nhan Tin Nhiem Mang