Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào mùa mưa 2025 với lượng mưa xuất hiện trên diện rộng, phổ biến từ 30 - 50mm, có nơi trên 70mm. Mưa lớn giúp đẩy lùi ranh mặn, cải thiện đáng kể tình hình xâm nhập mặn tại các cửa sông chính, với nồng độ 4g/l chỉ còn vào sâu khoảng 30km.
Tuy nhiên, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguy cơ mặn bất thường vẫn hiện hữu, nhất là khi gió chướng hoạt động mạnh, đưa nước mặn vào sâu nội đồng. Các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, vận hành linh hoạt hệ thống công trình kiểm soát mặn và kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa vào sản xuất. Điều này không chỉ giúp bảo vệ lúa mà còn đảm bảo an toàn cho các vùng chuyên canh cây ăn trái là nguồn sinh kế quan trọng của nhiều nông hộ.
Tính đến đầu tháng 5, toàn vùng đã gieo sạ được trên 780.000 ha lúa hè thu, đạt hơn 53% kế hoạch, tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng ngọt như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Diện tích còn lại dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 5.
Ảnh minh họa. Theo VOVViện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương chủ động phương án trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Tại vùng thượng nguồn, cần lưu ý đến khu vực núi cao như Tri Tôn, Tịnh Biên. Vùng giữa ĐBSCL cần kết hợp điều tiết công trình thủy lợi và giám sát độ mặn trong nước tưới. Vùng ven biển như Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng phải đề phòng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến các vùng trồng cây ăn trái trọng điểm.
Chủ động nguồn nước, kiểm soát mặn hiệu quả là yếu tố then chốt đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, giữ vững sinh kế và ổn định an ninh lương thực vùng đồng bằng.