Bắc Ninh, ngày 10/5 tới, sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị – một sự kiện được ví như “Đại hội của giới khoa học” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức, thu hút khoảng 450–500 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành.
Tại buổi họp báo chiều 5/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Khoa học chỉ thực sự phát huy khi được đặt trong một cơ chế phù hợp. Nếu không dám thay đổi, mọi tiềm lực sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.”

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Tùng Đinh.
Nghị quyết 57: Đặt khoa học – công nghệ và chuyển đổi số vào vị trí đột phá hàng đầu
Phát biểu tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn Long cho biết: Nghị quyết 57-NQ/TW là lần đầu tiên Bộ Chính trị xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược hàng đầu trong phát triển đất nước. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cụ thể hóa nghị quyết bằng Kế hoạch hành động theo Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm hiện thực hóa quá trình chuyển đổi toàn diện:
Một là, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị, với mục tiêu 25% lãnh đạo các đơn vị có chuyên môn sâu về KHCN và chuyển đổi số; thiết lập hệ thống đánh giá định kỳ bằng chỉ số cụ thể.
Hai là, hoàn thiện thể chế, sửa đổi 17 luật chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật với quốc tế – đặc biệt cho các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực mới.
Ba là, đầu tư hạ tầng KHCN và dữ liệu số, như hệ thống đất đai MPLIS, cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, ứng dụng AI trong dự báo thời tiết – dịch bệnh, công nghệ blockchain và IoT trong giám sát môi trường.
Bồn là, phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, áp dụng cơ chế đặt hàng cho nhiệm vụ nghiên cứu, ưu tiên công nghệ chiến lược như AI, công nghệ sinh học, vật liệu mới.
Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số nội bộ, triển khai cấp phép tự động, cá nhân hóa dịch vụ công, phát triển nền tảng số cho người dân – doanh nghiệp. Đặt mục tiêu đến năm 2030, trên 90% TTHC thực hiện trực tuyến.
Sáu là, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt các HTX, doanh nghiệp nhỏ. Từ 2021–2025, ngành đã triển khai hơn 1.200 đề tài KHCN, tạo ra hàng trăm giống cây – con mới, bằng sáng chế và sản phẩm thực tiễn.
Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tham gia các sáng kiến toàn cầu về quản trị số, xây dựng mạng lưới nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững ngành nông nghiệp và môi trường.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Ảnh: Tùng Đinh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Phải tháo nút thắt thể chế để khoa học thật sự đi vào cuộc sống"
Theo Thứ trưởng, dù nguồn lực đầu tư có tăng nhưng nếu không cải cách thể chế, khoa học công nghệ vẫn chỉ “quay trong vòng luẩn quẩn của chính mình”. Ông nhấn mạnh một số nút thắt lớn cần tháo gỡ:
Thiếu cơ chế giữ chân người tài: Nhiều năm qua, lực lượng nhà khoa học đầu ngành đang dần thiếu hụt. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng và môi trường làm việc thiếu động lực là nguyên nhân chính khiến khó thu hút và giữ chân người giỏi – đặc biệt là thế hệ trẻ.
Quy trình xét duyệt nghiên cứu quá chậm: Từ đề xuất đến nghiệm thu một đề tài có thể mất tới 5–6 năm, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tiễn. Trong khi ở các nước như Israel, nghiên cứu bắt đầu từ nhu cầu thị trường, triển khai nhanh và ứng dụng ngay.
Nguồn lực phân bổ không đồng bộ: Ở địa phương, nhiều đề tài không thể triển khai do thiếu nhân lực đủ điều kiện chủ trì. Ở trung ương, nơi tập trung nhiều chuyên gia, lại thiếu ngân sách thực hiện. Điều này gây lãng phí và làm chậm chuyển hóa tri thức thành sản phẩm.
Tư duy bao cấp vẫn nặng nề: Cơ chế “3 tự chủ” (tổ chức, nhiệm vụ, tài chính) được đề ra nhiều năm nhưng vẫn chưa đi vào thực chất. Nhiều đơn vị nghiên cứu chưa có động lực đổi mới, trong khi vẫn lệ thuộc vào cấp trên phân bổ kinh phí và phê duyệt kế hoạch.
Lãng phí tài sản nghiên cứu: Bộ đang quản lý hơn 16.400 ha đất và 11.500 cán bộ khoa học, trung bình mỗi người hơn 1ha. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vật chất không được sử dụng hiệu quả. Có nơi có thiết bị nhưng thiếu nhân lực; có nơi có nhà xưởng nhưng không có vốn vận hành.
Đề xuất giải pháp đột phá: Trao quyền – Tháo cơ chế – Kết nối thị trường
Thứ trưởng đề xuất cần trao quyền khai thác tài sản khoa học cho chính nhóm nghiên cứu hoặc đơn vị chủ trì thay vì chỉ định hành chính từ trên xuống. Đồng thời, thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt, cho phép vay vốn ưu đãi để triển khai các ý tưởng nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng. Đồng bộ phê duyệt kinh phí theo chu kỳ sinh học và thời gian nghiên cứu thực tiễn, để tránh lãng phí và chậm trễ.
Hội nghị Bắc Ninh – Bước khởi đầu chiến lược cho một nền khoa học chủ động, đổi mới, thực tiễn
“Hội nghị lần này không chỉ là bước khởi động Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57, mà còn là một diễn đàn kết nối nguồn lực, lan tỏa cảm hứng đổi mới và định hình hướng đi cho toàn ngành trong kỷ nguyên số,” – Vụ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.