Sign In

Đừng bỏ quên tầng đất mặt khi sửa luật trồng trọt

17:00 09/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Việc sửa đổi Luật Trồng trọt cần tiếp cận một cách toàn diện, nhằm đặt nền móng cho nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng xanh và khai thác bền vững tài nguyên đất đai – trong đó, tầng đất mặt là một trong những yếu tố then chốt nhưng dễ bị lãng quên.

Luật cần sát thực tiễn, mở đường cho nông sản Việt

Sáng 9/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung đã chủ trì cuộc họp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Vụ Pháp chế nhằm rà soát, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Trồng trọt và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật – những nội dung sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo, sửa Luật phải bám sát thực tiễn sản xuất, tập trung xử lý các điểm nghẽn trong quản lý, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo, sửa Luật phải bám sát thực tiễn sản xuất, tập trung xử lý các điểm nghẽn trong quản lý, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Luật mới không chỉ đơn thuần là thay đổi câu chữ. Mỗi điều luật cần trả lời rõ ràng câu hỏi: sửa để làm gì, và hiệu quả thực tế là gì?". Ông lấy ví dụ điển hình như quy định cấm đưa đất vào Việt Nam – một quy định cần được chuyển từ cơ chế “cấm tuyệt đối” sang mô hình kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn, vừa đảm bảo an toàn sinh học, vừa mở đường cho các hình thức canh tác tiên tiến.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, tránh dàn trải

Dự thảo Thông tư hướng dẫn mới – tích hợp nhiều văn bản hiện hành – đang theo hướng phân cấp mạnh mẽ, chuyển giao 17 nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật về cấp xã, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Mai Hiên đề xuất sửa đổi Điều 64 Luật Trồng trọt, trong đó bổ sung quy định về mã số cơ sở đóng gói – điều kiện bắt buộc để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. "Từ ngày 1/4, các bộ ngành được chủ động ban hành thủ tục hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ cần tận dụng thẩm quyền này để chủ động trong cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh để doanh nghiệp tự bơi trong rừng quy định", bà Hiên nhấn mạnh.

Giống cây trồng: Cần quy chuẩn, không thể tùy tiện

Một trong những tồn tại lâu nay được Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ ra là việc thiếu thống nhất trong đặt tên giống cây trồng. "Một giống – nhiều tên, mỗi nơi gọi một kiểu – điều này khiến việc quản lý giống trở nên rối rắm, không minh bạch", ông nói.

Luật cần quy định rõ ràng hơn về tiêu chí khảo nghiệm và giá trị sử dụng của giống cây trồng, hạn chế tình trạng tự công bố tràn lan. Đặc biệt, khảo nghiệm cần thực chất, không hình thức, phản ánh đúng hiệu quả canh tác và khả năng thích nghi.

Cán bộ nông nghiệp thăm vườn nhãn có mã số vùng trồng tại Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Hoa.

Cán bộ nông nghiệp thăm vườn nhãn có mã số vùng trồng tại Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Hoa.

Thuốc bảo vệ thực vật: Đổi mới cơ chế, thúc đẩy sáng tạo

Với lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, Thứ trưởng đề xuất chuyển từ cơ chế quản lý theo danh mục sang mô hình cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm – vừa giúp quản lý chặt chẽ chất lượng, vừa tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các loại thuốc sinh học, thân thiện với môi trường.

Các tầng đất, theo lát cắt ngang. Ảnh: minh họa.

Các tầng đất, theo lát cắt ngang. Ảnh: minh họa.

Tầng đất mặt – lớp “vàng nâu” cần được bảo vệ nghiêm túc

Tầng đất mặt – lớp đất mỏng nhưng giàu dinh dưỡng, giữ vai trò quyết định trong canh tác – lại đang rơi vào tình trạng “quản lý chồng lấn, bỏ ngỏ”. Luật Trồng trọt 2018 và Luật Đất đai 2024 đều có đề cập đến bảo vệ tầng đất mặt, nhưng thẩm quyền và hướng dẫn triển khai thực tế lại phân tán giữa các bộ ngành.

Hiện nay, việc bóc tách, hoàn thổ tầng đất mặt trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa vẫn do Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối, trong khi Bộ Nông nghiệp – đơn vị chịu trách nhiệm phát triển sản xuất nông nghiệp – không có đủ công cụ để giám sát và bảo vệ tài nguyên này.

Thứ trưởng Hoàng Trung đặt vấn đề: “Không thể hiện đại hóa nông nghiệp nếu cứ bỏ quên lớp đất nền móng quý giá nhất của ruộng đồng”. Ông đề xuất cần có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý tầng đất mặt, tiêu chuẩn kỹ thuật khi bóc tách, vận chuyển, tái sử dụng và cơ chế phối hợp liên ngành.

Không có nhiều cơ hội để sửa luật – phải làm thật chắc

Đợt sửa đổi Luật lần này không chỉ nhằm “nâng cấp văn bản”, mà là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống chính sách trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật. Theo Thứ trưởng, mỗi quy định phải gắn với thực tiễn sản xuất, đảm bảo tính khả thi, đồng thời mở ra dư địa phát triển cho nông nghiệp xanh và xuất khẩu nông sản.

"Chúng ta phải huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe doanh nghiệp và địa phương. Không phải lúc nào cũng có cơ hội sửa luật – nên lần này phải làm thật chắc, thật sát đời sống sản xuất", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Cổng TTĐT

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES).

Bàn giải pháp tháo "nút thắt" trong quản lý đất đai, môi trường và phát triển nông nghiệp tại Điện Biên

Ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nếu không chuyên nghiệp hóa, thị trường Mỹ có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Tại Hội nghị thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Hoa Kỳ sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cảnh báo: nếu không chuyên nghiệp hóa sản xuất và minh bạch chuỗi cung ứng, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế tại thị trường Hoa Kỳ – hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành.