
Ngày 21/5, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tiếp đón và làm việc với Ngài Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Ảnh: Phương Linh.
Trong nhiều năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đã đạt được nhiều kết quả thiết thực và đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, hai nước đã cùng triển khai nhiều chương trình hợp tác hiệu quả như: nông nghiệp bền vững, tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu tác động vĩ mô về kinh tế và xã hội về tác động của biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng….
Bên cạnh đó, Nhóm công tác nông nghiệp Việt - Pháp đã tích cực triển khai các nội dung cam kết tại Kỳ họp lần thứ nhất, với nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh Pháp và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn, hành động và chiến lược phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
“Tôi mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn của hai bên tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn trong những lĩnh vực này. Đồng thời, hai nước cần tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp sáng kiến và khẳng định cam kết chung trong các vấn đề toàn cầu", ông Olivier Brochet nói.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp. Ảnh: Phuơng Linh.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tập đoàn Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang trao đổi và tiến tới ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường giai đoạn 2025-2030. Hai nước cũng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai cụ thể Kế hoạch hành động, hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác đã ký kết.
Để hợp tác nông nghiệp diễn ra ngày càng có hiệu quả, phía Việt Nam mong muốn Pháp hỗ trợ huy động nguồn vốn cho các chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như triển khai các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển và đảm bảo an ninh nguồn nước.
”Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam và Pháp có lịch sử hợp tác lâu dài. Trong quá khứ, Pháp đã chú trọng đầu tư vào phát triển nông nghiệp tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tôi đề nghị hai nước hợp tác phát triển các chương trình nghiên cứu, dự án bảo tồn di sản nông nghiệp Việt – Pháp, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử trong quan hệ hợp tác hai bên”, ông Đỗ Đức Duy nói.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã đánh dấu mốc quan trọng, thể hiện sự tin cậy chính trị và tầm nhìn dài hạn giữa Việt Nam và Pháp. Ảnh: Phương Linh.
Về lĩnh vực biến đổi khí hậu, Việt Nam đề nghị Chính phủ Pháp và AFD tiếp tục hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả Dự án “Nghiên cứu tác động kinh tế vĩ mô và xã hội của biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam” (GEMMES Việt Nam).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường mong muốn Đại sứ Olivier Brochet kết nối với các cơ quan chuyên môn của Pháp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu để mở rộng hợp tác song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo kỹ sư nông nghiệp và kỹ sư trình độ cao đẳng, tôi mong Tham tán Nông nghiệp Pháp sẽ là cầu nối để các trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên ngành tại Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng các chương trình đào tạo nông nghiệp hiện đại, tiên tiến của Pháp. Sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới”, Bộ trưởng Duy chia sẻ.