Sign In

Cần một chỉ thị quyết liệt để ngăn chặn ô nhiễm môi trường

19:15 21/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Chiều 21/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp xây dựng Chỉ thị xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các điểm nóng, đặc biệt là ở hai thành phố lớn.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước, chiều 21/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cho rằng, đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả hơn để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các “điểm nóng” ở các đô thị lớn.

Pháp luật có, hành động chưa đủ mạnh

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thời gian qua hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam đã được thiết lập tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến hiệu quả hạn chế. “Luật đã có, nghị quyết đã ban hành, văn bản chỉ đạo không thiếu, nhưng thực tế triển khai còn chậm chạp”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Khương Trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Khương Trung.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng suy thoái môi trường đang ngày càng lan rộng, trong khi sự chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường vẫn còn chậm so với kỳ vọng của người dân và yêu cầu từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Mặc dù ghi nhận một số chuyển biến tích cực trong xử lý ô nhiễm, chẳng hạn như cải thiện tại hệ thống Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng vẫn cho rằng bức tranh tổng thể về môi trường vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” lớn như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và chất thải rắn.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Chỉ thị của Thủ tướng được đánh giá là cần thiết, kịp thời và đúng đắn. Chỉ thị này không chỉ là định hướng, mà còn phải trở thành mệnh lệnh hành động, được triển khai quyết liệt và hiệu quả trên thực tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu nội dung Chỉ thị cần toàn diện nhưng không dàn trải, tập trung vào các vấn đề cấp bách nhất, có tác động lớn nhất đến sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần “6 rõ”  của Thủ tướng phải được quán triệt xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn nhất nước được xác định là các “điểm nóng” về ô nhiễm không khí và nguồn nước, cần được ưu tiên nguồn lực để xử lý dứt điểm. Giải quyết được ô nhiễm tại đây sẽ tạo tiền đề, mô hình và động lực để mở rộng ra các địa phương khác.

Chỉ thị phải tập trung vào các giải pháp cấp bách

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết quá trình xây dựng nội dung Chỉ thị được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời lấy ý kiến từ 22 bộ, ngành, các cơ quan ngang bộ, địa phương và viện nghiên cứu.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Theo Thứ trưởng, tại Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu xe máy và hơn 1,1 triệu ô tô, đây là lượng phương tiện đốt nhiên liệu lớn và là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Do đó, cần sớm ban hành lộ trình cụ thể để kiểm soát, giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng bày tỏ sự đồng tình cao, đồng thời cho biết thành phố đã xây dựng các kịch bản hành động quyết liệt nhằm cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhận định, dù có nhiều chỉ đạo từ Trung ương, nhưng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có chiều hướng gia tăng.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân xuất phát từ sự phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng phát thải từ công nghiệp, xây dựng và phương tiện giao thông. Trong khi đó, việc kiểm soát tại các địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến việc xử lý chưa đạt kết quả mong muốn.

Đáng lưu ý, tại các đô thị lớn, nơi có mật độ dân cư cao, tốc độ phát triển nhanh thì ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng và thách thức hơn. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị riêng, tập trung vào một số giải pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn ô nhiễm tại các khu vực có nguy cơ cao.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, thực hiện tốt những giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống cho người dân, mà còn giảm thiểu chi phí xử lý về sau, bởi xử lý càng muộn thì chi phí càng lớn.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống

Kết luận cuộc họp với các bộ, ngành về công tác bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết và cấp bách của việc ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng nhằm chỉ đạo giải quyết các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng với tinh thần kiên quyết, đồng bộ và hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Thực tiễn cho thấy, nhiều vấn đề ô nhiễm đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ô nhiễm nước tại các lưu vực sông, ô nhiễm từ làng nghề, khu công nghiệp. Đây là những vấn đề cần được xử lý kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, công bố số liệu cụ thể, xác thực, làm cơ sở xây dựng Chỉ thị và các giải pháp khả thi. Nội dung Chỉ thị cần tập trung vào các vấn đề cấp thiết, không bao quát quá rộng, với trọng tâm là kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, chất thải tại đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

Các nhiệm vụ cần được phân công cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, tránh dàn trải, thiếu trách nhiệm. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải chủ động xây dựng kế hoạch giảm ô nhiễm không khí với lộ trình rõ ràng.

Toàn cảnh cuộc họp chiều 21/5. Ảnh: Khương Trung

Toàn cảnh cuộc họp chiều 21/5. Ảnh: Khương Trung

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu ban hành quy chuẩn kiểm soát khí thải, đặc biệt từ phương tiện giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính tại đô thị. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm, kiên quyết đình chỉ nếu không đáp ứng yêu cầu môi trường.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh tra chuyên đề, xử lý vi phạm. Cùng với đó, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế tài chính, chính sách khuyến khích đầu tư cho môi trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp và cộng đồng tham gia.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, hệ thống hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Chính phủ liên quan để tránh chồng chéo, bổ sung và triển khai hiệu quả; bổ sung các nội dung còn thiếu và thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ. Kết quả thực hiện phải được sơ kết mỗi 6 tháng để điều chỉnh kịp thời.

Phó Thủ tướng khẳng định việc ban hành Chỉ thị là yêu cầu cấp bách và thể hiện trách nhiệm của Chính phủ. Môi trường không thể là cái giá cho tăng trưởng và càng không thể là lực cản cho phát triển bền vững. Tinh thần hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có kiểm tra, giám sát thường xuyên và người chịu trách nhiệm rõ ràng.

 

Khương Trung

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI vào 15/3/2026

Ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI vào 15/3/2026

Quốc hội thống nhất tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031 vào ngày 15/3/2026, rút ngắn nhiệm kỳ hiện tại.
Việt Nam và Pháp hợp tác toàn diện trong nông nghiệp và môi trường

Việt Nam và Pháp hợp tác toàn diện trong nông nghiệp và môi trường

Ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Broc

3 nhiệm vụ trong tháng cao điểm về phòng, chống buôn lậu, hàng giả

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam yêu cầu tập trung triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống buôn lậu, hàng giả trong tình hình mới.