Nghị định 151/2025/NĐ-CP đánh dấu một bước tiến rõ rệt theo nguyên tắc “phân quyền, phân cấp” tạo động lực cho địa phương chủ động, linh hoạt trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.
Đảm bảo nhất quán, thống nhất
Theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nắm giữ vai trò chủ đạo trong công tác định hướng, giám sát tổng thể, trong khi từng phần thẩm quyền được giao cụ thể cho các chủ thể như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là người thực hiện nhiều thẩm quyền thuộc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như: thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia, thành lập Hội đồng thẩm định, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...
Đối với các địa phương không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (ví dụ các thành phố trực thuộc Trung ương), thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất sẽ do HĐND cấp tỉnh đảm nhiệm.
Cán bộ phường Tây Mỗ (Hà Nội) giải quyết thủ tục đất đai cho người dân. Ảnh: Trường GiangUBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phân quyền trong tổ chức thực thi chính sách đất đai tại địa phương như: quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất; xác định và ban hành giá đất cụ thể; chấp thuận phương án sử dụng đất của nhà đầu tư…
Đặc biệt, UBND cấp tỉnh còn được trao quyền quyết định đối với các dự án có yếu tố đặc thù như: lấn biển, khu công nghệ cao, cảng hàng không, sân bay dân dụng và các công ty nông, lâm nghiệp.
Tăng vai trò cho cấp xã và cơ quan chuyên môn
Đáng chú ý, Nghị định 151/2025/NĐ-CP cũng phân cấp một số thẩm quyền cho UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã. Các nhiệm vụ này chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.
Song song, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường cấp tỉnh cũng được giao quyền thực hiện các thủ tục như cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; phê duyệt kết quả điều tra, phục hồi đất...
Việc phân quyền, phân cấp rõ ràng theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính mà còn đảm bảo gắn trách nhiệm với từng cấp chính quyền. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật đất đai tại cơ sở.
Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị định 151/2025/NĐ-CP nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc “phân quyền, phân cấp, phân định rõ trách nhiệm” trong quản lý đất đai. Đặc biệt, quy định chi tiết và cụ thể hóa thẩm quyền giữa các cấp chính quyền không chỉ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính mà còn tạo động lực cho các địa phương chủ động và linh hoạt hơn trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.
Nghị định 151 đã có những quy định phân quyền, phân cấp cụ thể tạo động lực cho địa phương chủ động, linh hoạt trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.Tuy nhiên, thách thức đặt ra không nhỏ: phân cấp nhưng không buông lỏng, giao quyền nhưng phải kiểm soát chặt chẽ. Nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả và không nâng cao năng lực cán bộ, tình trạng lạm quyền, lợi ích nhóm hoặc xử lý tùy tiện rất dễ phát sinh, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Do đó, cùng với phân quyền, phân cấp, cần đồng thời thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu đất đai số hóa; xây dựng cơ chế giải trình rõ ràng cho từng quyết định hành chính.
Chỉ khi quyền đi đôi với trách nhiệm, khi cơ sở được trao quyền và có đủ năng lực thực thi, thì chính sách phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai mới thực sự phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.