Từ ngày 1/7, người dân lần đầu tiên sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ngay tại cấp xã – một bước chuyển đáng chú ý trong tiến trình phân cấp mạnh mẽ lĩnh vực quản lý đất đai.
Sự thay đổi này không chỉ rút ngắn hành trình hành chính, mà còn giúp tiết giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục đối với người dân. Theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP, cấp xã chính thức được trao thẩm quyền ký cấp sổ đỏ lần đầu – mở ra kỳ vọng về một nền hành chính công gần dân, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai đã có cuộc trao đổi về những điểm mới của về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu tại Nghị định 151/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai Cấp “sổ đỏ” lần đầu thực hiện tại cấp xã là một quy định nổi bật của Nghị định 151/2025/NĐ-CP? Quy định này có ý nghĩa ra sao trong bối cảnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để quản lý gần dân hơn, thưa ông?
Ông Mai Văn Phấn: Chủ trương sắp xếp, thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, xã) theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Nhà nước với mục tiêu từng bước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang phục vụ nhân dân một cách chủ động, hiệu quả hơn. Trọng tâm của quá trình này là xây dựng bộ máy tinh gọn, gần dân, sát dân, đồng thời bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích lâu dài của nhân dân.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai. Kết quả là Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 đã được ban hành, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để đẩy mạnh phân quyền, phân cấp và chuyển giao thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở.
Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định 151 là thay đổi căn bản quy trình cấp sổ đỏ lần đầu.
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, thẩm quyền giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư sẽ được chuyển giao từ cấp huyện về cấp xã, phường, đặc khu. Chủ tịch UBND cấp xã, phường sẽ là người trực tiếp ký cấp sổ đỏ trong các trường hợp đủ điều kiện theo quy định.
So với trước đây, việc cấp sổ đỏ lần đầu thường phải trải qua ít nhất hai cấp, thì nay quy trình này sẽ được rút gọn, thực hiện tại một cấp duy nhất là cấp xã, phường. Điều này không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí, mà còn tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện thủ tục đất đai.
Có thể nói việc chuyển thẩm quyền cấp sổ đỏ từ UBND cấp huyện sang Chủ tịch UBND cấp xã, phường là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng chính quyền phục vụ. Đây cũng là biểu hiện cụ thể cho tinh thần cải cách hành chính, hướng mạnh về cơ sở, đưa cơ quan công quyền trở thành “cánh tay nối dài” đến từng người dân, từng hộ gia đình.
Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công phường Tây Mỗ (Hà Nội) sáng 1/7. Ảnh: Trường Giang Thưa ông, Chính phủ còn có các quy định nào để đảm bảo sự phân cấp trong việc cấp sổ đỏ tại xã được khả thi, hiệu quả?
Ông Mai Văn Phấn: - Để bảo đảm tính khả thi và hiệu lực thực thi trong quá trình phân cấp, Nghị định đã thiết kế đồng bộ các nội dung liên quan như: phân định rõ ràng giữa chức năng hoạch định chính sách của Trung ương và chức năng thực thi của địa phương; gắn chuyển giao thẩm quyền với điều kiện cụ thể về nhân lực, ngân sách, cơ sở dữ liệu tại cơ sở; đồng thời phân định rõ thẩm quyền giữa HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp theo hướng chuyển từ "thẩm quyền chung" sang "thẩm quyền riêng".
Theo quy trình người dân có nhu cầu cấp sổ đỏ lần đầu sẽ nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tại nơi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý đất đai cấp xã sẽ căn cứ vào các trường hợp cụ thể và chính sách có liên quan để giải quyết như: Phân loại có giấy tờ về quyền sử dụng đất hay không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, có vi phạm hay đất được giao trái thẩm quyền quy định tại Điều 137, 130, 139, 140 của Luật Đất đai để giải quyết.
Đáng chủ ý, để giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết thì một số bước công việc trước đây được thực hiện từ cấp xã đến cấp huyện cũng được lược bỏ như việc Thành lập Hội đồng đăng ký đất đai lần đầu để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến xem xét, cấp sổ đỏ...
Hai quy trình có liên quan đến việc cấp sổ đỏ và đăng ký đất đai và thủ tục cấp sổ. Ông có lưu ý gì cho người dân khi thực hiện việc này?
Ông Mai Văn Phấn: - Theo quy định tại Nghị định 151/2025/NĐ-CP, cần phân biệt rõ giữa quy trình đăng ký đất đai và thủ tục cấp sổ đỏ.
Đăng ký đất đai là yêu cầu bắt buộc đối với người đang sử dụng đất hoặc người được Nhà nước giao đất để quản lý. Việc này nhằm xác lập hồ sơ quản lý đất đai của Nhà nước, đồng thời xác thực hiện trạng sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, khi có nhu cầu cấp sổ đỏ, người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định đây là quy trình riêng, do cơ quan thuế xác định. Hiện nay, thời gian giải quyết nghĩa vụ tài chính được rút ngắn còn 17 ngày, giảm 3 ngày so với trước.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, UBND cấp xã sẽ thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu trong vòng 3 ngày.
Về năng lực tổ chức thực hiện, trước đây các thủ tục đất đai được thực hiện tại cấp huyện với sự tham mưu của phòng chuyên môn, sau đó trình Chủ tịch UBND cấp huyện ký. Nay, theo phân cấp mới, UBND cấp xã đã được giao quyền và có bộ phận chuyên môn đảm nhiệm các thủ tục liên quan, trình trực tiếp Chủ tịch UBND cấp xã ký sổ đỏ.
Để đưa quy định này vào cuộc sống từ 1/7 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển triển khai những công việc gì, thưa ông?
Ông Mai Văn Phấn: - Nghị định 151 đã quy định đầy đủ, rõ ràng trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp sổ đỏ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã có Quyết định 2304/QĐ-BNNMT công bố thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện Bộ sẽ luôn đồng hành với các địa phương.
Tuy nhiên, đi liền với phân quyền là cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Các hoạt động quản lý đất đai vẫn đặt trong khuôn khổ của các đạo luật như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Cán bộ, công chức; Luật Xử lý vi phạm hành chính… nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong thi hành công vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!