Sign In

Hoàn thiện chính sách môi trường từ chuyển đổi xanh

16:20 15/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Hội thảo tổ chức tại Học viện Nông nghiệp, nhằm đánh giá chính sách bảo vệ môi trường và tìm giải pháp thực tiễn cho phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp.

Vai trò then chốt của nông nghiệp trong bảo vệ môi trường

Thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực", Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo "Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường".

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cùng đại diện các cơ quan liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan thăm cơ sở vật chất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan thăm cơ sở vật chất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định, phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là yêu cầu phát triển bền vững mà còn là căn cứ để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo ông Huy, bảo vệ môi trường không còn là xu hướng riêng lẻ mà trở thành yêu cầu xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là chủ đề trọng tâm của đợt giám sát chuyên đề do Quốc hội thực hiện, nhằm đánh giá hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong thực tế.

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 khi cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Nông nghiệp, với đặc thù vừa là lĩnh vực phát thải, vừa chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, vì thế cần được xác định là một trong những trụ cột ưu tiên trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu này.

Ông Huy dẫn chứng, các sáng kiến như “Giảm phát thải khí methane toàn cầu” và “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất” đều đặt ra yêu cầu cấp thiết phải gắn kết mục tiêu giảm phát thải với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp. “Hội thảo lần này chính là cơ hội để lắng nghe, tổng hợp và phân tích các khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn, từ đó đề xuất các kiến nghị chính sách hoàn chỉnh hơn”, ông Huy chia sẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu khai mạc. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu khai mạc. Ảnh: Bảo Thắng.

Nội dung giám sát tập trung vào 3 nhóm chính: Xác định khó khăn, bất cập trong chính sách, pháp luật và thực thi bảo vệ môi trường trong nông nghiệp; Đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thu thập thông tin thực tiễn để phục vụ xây dựng báo cáo giám sát, góp phần vào việc sửa đổi hoặc bổ sung nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới.

Ông Huy khẳng định, nông nghiệp không chỉ đóng vai trò là lợi thế quốc gia mà còn là lĩnh vực tác động trực tiếp đến hàng chục triệu nông dân, hộ sản xuất nhỏ và môi trường sống ở nông thôn. Những chính sách được xây dựng cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, bền vững, và bảo vệ quyền lợi lâu dài cho cả người dân lẫn môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong tổ chức hội thảo, coi đây là ví dụ điển hình của cơ chế phối hợp liên ngành trong xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng thực tiễn.

“Hội thảo không chỉ là hoạt động chuẩn bị cho giám sát, mà còn là một bước tiến trong việc gắn kết nghiên cứu khoa học, thực tiễn sản xuất và chính sách pháp luật, từ đó hình thành giải pháp tổng thể cho phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Xây dựng nền tảng khoa học và trụ cột sinh thái cho nông nghiệp bền vững

Luôn kiên định với quan điểm "Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học", GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh rằng, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu là một lựa chọn chiến lược mang tính tất yếu, không thể đảo ngược, gắn với trách nhiệm quốc gia và cam kết quốc tế.

Theo lãnh đạo Học viện Nông nghiệp nhấn mạnh, định hướng này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng, trong khi ô nhiễm môi trường nông thôn tiếp tục gia tăng.

GS.TS Nguyễn Thị Lan: 'Phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu là một lựa chọn chiến lược mang tính tất yếu'. Ảnh: Bảo Thắng.

GS.TS Nguyễn Thị Lan: "Phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu là một lựa chọn chiến lược mang tính tất yếu". Ảnh: Bảo Thắng.

Theo bà Lan, những thách thức hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp từ tư duy khai thác sang tiếp cận hài hòa với tự nhiên; từ chạy theo sản lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Bà Lan khẳng định, phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là yêu cầu từ thực tiễn mà còn là trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

“Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách cùng chia sẻ tri thức và tầm nhìn, kiến tạo nền nông nghiệp phát triển xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Giám đốc Học viện Nông nghiệp bày tỏ.

Với vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện Học viện đào tạo hơn 70 ngành học ở cả 3 bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có nhiều ngành liên quan mật thiết đến phát triển xanh như khoa học môi trường, quản lý đất đai, công nghệ sinh học và phát triển nông thôn bền vững.

Nhiều tham luận có tính ứng dụng cao được nêu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều tham luận có tính ứng dụng cao được nêu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Giai đoạn 2015-2025, Học viện đã công bố trên 100 sản phẩm khoa học - công nghệ được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ hoặc công nhận tiến bộ kỹ thuật. Nhiều trong số này nhằm mục tiêu giảm phát thải, phục hồi tài nguyên và cải thiện môi trường sinh thái như: vật liệu cải tạo đất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, bẫy pheromone sinh học, mô hình canh tác tuần hoàn, công nghệ cảm biến - dữ liệu lớn - trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp thông minh. Đặc biệt, Học viện đang tích cực phát triển các công cụ đo lường - báo cáo - thẩm định (MRV) phục vụ cơ chế tín chỉ carbon trong nông nghiệp. Đây là một trụ cột quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

“Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường là một tiến trình không thể đảo ngược. Đây không chỉ là mô hình phát triển, mà còn là trách nhiệm lịch sử của thế hệ hôm nay với tương lai đất nước và hành tinh”, bà Lan khẳng định.

Kết nối doanh nghiệp là hoạt động được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt ưu tiên thúc đẩy. Học viện đã hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp, như Công ty CP Tập đoàn PAN Group, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam... trong đào tạo, thực hành, thực tập cũng như tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.

Hàng năm, Học viện tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của từ 60 đến 100 doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu thực tập tốt nghiệp, việc làm cho từ 4.000 đến 5.000 sinh viên. Theo kết quả khảo sát, trên 97% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp. 

Hội thảo chiều 15/7 đã nêu bật yêu cầu cấp bách về tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái và tuần hoàn. Các tham luận về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... tại hội thảo tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy canh tác hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sinh học và chuyển đổi số nhằm bảo vệ tài nguyên đất, nước, không khí.

Đặc biệt, hội thảo đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực cho nông dân và khuyến khích hợp tác công - tư. Một số mô hình thực tiễn như lúa - tôm, VAC, sản xuất hữu cơ - vi sinh, canh tác bảo tồn đất và hệ thống nuôi tuần hoàn RAS được chia sẻ như minh chứng cho hướng đi hiệu quả. Qua đó, các đại biểu tham gia hội thảo khẳng định, chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp, viện trường và nông dân, nông nghiệp Việt Nam mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo Thắng

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Brazil

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Brazil

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Brazil tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Sáng kiến OCOP Việt Nam cùng FAO lan tỏa 'Bốn tốt hơn' ra thế giới

Trong lần đầu diễn ra sự kiện trao đổi cấp cao giữa châu Phi - Việt Nam, các đối thoại xoay quanh OCOP đã mở không gian hợp tác mới về nông nghiệp bền vững.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Marubeni hợp tác sản xuất giống cây trồng, vật nuôi

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Marubeni hợp tác sản xuất giống cây trồng, vật nuôi

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Marubeni hợp tác sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.