Sign In

Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 2] Gỡ nút thắt đất đai, vào nhịp phát triển mới

14:10 10/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Đà Nẵng hiện đang tích cực triển khai Kết luận 77 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 170 của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai cho các dự án. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên sau khi sáp nhập với Quảng Nam.

Triển khai đồng bộ, sát thực tiễn

Ngay sau khi Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, UBND TP Đà Nẵng đã khẩn trương cụ thể hóa bằng những kế hoạch hành động rõ ràng. Tiêu biểu là Kế hoạch số 890/KH-UBND (ngày 23/10/2024) và Kế hoạch số 115/KH-UBND (ngày 22/4/2025), với trọng tâm là tháo gỡ rào cản pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển.

Một tổ công tác chuyên trách được thành lập, đảm nhiệm vai trò điều phối liên ngành, xử lý từng nhóm nội dung vướng mắc: từ truy thu nghĩa vụ tài chính, xác định giá đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, cho đến xử lý các trường hợp pháp lý phức tạp như nhóm dự án trên bán đảo Sơn Trà.

Đáng chú ý, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với chính quyền. Nhiều nhà đầu tư tự nguyện nộp lại phần nghĩa vụ tài chính từng được miễn, giảm hoặc chưa thực hiện đầy đủ; đồng thời liên hệ điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo Kết luận 2852/KL-TTCP năm 2012. Đây được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy sự đồng thuận và tinh thần trách nhiệm cao từ phía doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động phân định rõ nghĩa vụ tài chính giữa chủ đầu tư sơ cấp và nhà đầu tư thứ cấp. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng, cách làm này vừa giúp gỡ vướng về pháp lý, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những nhà đầu tư đã giao dịch hợp pháp nhưng bị ảnh hưởng bởi sai phạm của chủ đầu tư ban đầu.

 Hàng loạt dự án có vốn đầu tư lớn tại Đà Nẵng đồng loạt khởi động lại, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tính đến tháng 6/2025, thành phố đã hoàn tất 12/15 phương án tính nghĩa vụ tài chính, phối hợp với các bên liên quan để xác định giá đất thông qua đơn vị tư vấn độc lập. Việc này được thực hiện công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để các dự án tiếp tục được triển khai đúng tiến độ.

Đối với nhóm 13 dự án tại bán đảo Sơn Trà – một trong những điểm nghẽn pháp lý kéo dài nhiều năm, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát toàn diện, đối chiếu quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai và lâm nghiệp. Các phiên làm việc chuyên đề cũng đã được tổ chức để thống nhất hướng xử lý, đảm bảo hoàn thành trong vòng 12 tháng theo Nghị quyết 170/QH15 và Nghị định 76/2025/NĐ-CP.

Cách làm quyết liệt, có trọng tâm này không chỉ tháo gỡ được những rào cản về thủ tục mà còn mở ra cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai – yếu tố cốt lõi cho sự phát triển đô thị bền vững.

Đầu năm 2025, đã có nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có một số dự án đã khởi công, đang triển khai thi công. Các dự án đã, đang và sẽ được khởi công trong năm 2025 và những năm tiếp theo được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như: dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân (43.922 tỷ đồng), Tổ hợp Công viên châu Á (hơn 43.000 tỷ đồng), các dự án của Tập đoàn FPT (hơn 5.000 tỷ đồng), một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ven sông và khu vực bán đảo Sơn Trà (hơn 60.000 tỷ đồng), dự án Khu Công nghệ thông tin của Tập đoàn Viettel (hơn 2.000 tỷ đồng)… 

Đây là những kết quả bước đầu tích cực trong việc thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trên địa bàn thành phố nói chung và thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội... nói riêng. 

Nhiều dự án bất động sản được đẩy nhanh tiến độ triển khai trên địa bàn thành phố.

Nhân rộng mô hình từ Đà Nẵng 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng, việc triển khai các chủ trương của Trung ương tại Đà Nẵng đang mang lại chuyển biến đột phá. Các nhiệm vụ trọng tâm được quán triệt nghiêm túc, tiến độ đảm bảo và cách tiếp cận phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều tồn đọng kéo dài đã và đang được xử lý đúng pháp luật, góp phần củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Thành phố cũng nhất quán với nguyên tắc “người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”, tạo môi trường đầu tư ổn định, bình đẳng và hấp dẫn. Tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt nhưng không buông lỏng nguyên tắc pháp lý được xem là điểm sáng trong điều hành thời gian qua.

Theo Báo cáo số 266/BC-UBND ngày 20/6/2025 của UBND thành phố Đà Nẵng, đến nay, thành phố đã thu được 1.470 tỷ đồng trong tổng số 2.308 tỷ đồng cần truy thu theo Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP. UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi 5% và 10% tiền sử dụng đất đối với 210 trường hợp nhà đầu tư sơ cấp; chuyển thông tin sang cơ quan thuế để thông báo nghĩa vụ tài chính và đang tiếp tục xử lý 54 trường hợp còn lại.

Về trách nhiệm tài chính của nhà đầu tư, thành phố đã thông báo giải quyết thủ tục cho 48 nhà đầu tư thứ cấp. Với 1.313 trường hợp đất sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận có thời hạn sử dụng lâu dài, thành phố đã xử lý, điều chỉnh đúng quy định cho 692 trường hợp; 621 trường hợp còn lại đang tiếp tục được thông báo và hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Trung ương, tập trung gỡ vướng theo cơ chế, chính sách đặc thù. Đặc biệt, chỉ trong vòng hơn 2 tháng từ khi Nghị quyết 170 và Nghị định 76 có hiệu lực, thành phố đã đạt những kết quả tích cực, làm rõ cơ sở pháp lý cho nhiều dự án tiếp tục sử dụng đất.

Không dừng lại ở danh sách 1.313 trường hợp ban đầu, Đà Nẵng sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp tương tự. UBND thành phố đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng Điều 3 của Nghị quyết 170 và Điều 3 của Nghị định 76 để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất về 50 năm, nhằm thống nhất cách xử lý và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

 Một loạt các dự án được khởi công, xây dựng trong 2 năm qua mang lại điểm sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Tại hội nghị sơ kết ngày 21/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đà Nẵng trong thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương. Việc tháo gỡ được 40% số dự án vướng mắc là kết quả đáng khích lệ, cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả trong cách làm của thành phố.

Theo Phó Thủ tướng, những kết quả bước đầu này có thể làm cơ sở để nhân rộng mô hình thực hiện Kết luận 77 tại các địa phương khác. Ông nhấn mạnh: “Thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục tăng tốc tháo gỡ vướng mắc cho khoảng 60% số dự án, đất đai còn lại theo đúng chỉ đạo của Trung ương.”

Thực tế, thời gian qua, không chỉ riêng Đà Nẵng và một số địa phương liên quan, nhiều tỉnh, thành phố đều rà soát các dự án đất đai gặp vướng mắc và triển khai, thực hiện một số nội dung của Kết luận số 77-KL/TW. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (cũ) Lương Nguyễn Minh Triết, qua rà soát, tính đến chiều 20/6/2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (cũ) có 341 dự án, đất đai chậm tiến độ, chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng... và gặp một số vấn đề tương tự như các dự án, đất đai trong Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ và một số vấn đề như Đà Nẵng (thời hạn sử dụng đất, xác định giá đất...). Tỉnh đã phân loại được một số vấn đề cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và cũng đã có một số lần báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng như các bộ, ngành Trung ương. 

Sau khi hợp nhất với thành phố Đà Nẵng, thành phố sẽ tổng hợp các vấn đề này để báo cáo, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện, cho phép tháo gỡ nhằm huy động nguồn lực cho phát triển thành phố trong thời gian đến. 

Lan Anh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 1] - Kiên trì, tích cực vào cuộc cùng Trung ương tháo gỡ vướng mắc

Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 1] - Kiên trì, tích cực vào cuộc cùng Trung ương tháo gỡ vướng mắc

Sau thời gian phát triển “nóng”, Đà Nẵng lộ rõ nhiều bất cập trong quản lý đất đai, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ. Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực phát triển.

Hà Nội bổ sung địa điểm giải quyết thủ tục đất đai

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận hồ sơ đất đai trực tuyến và mở rộng điểm giải quyết thủ tục đất đai.
Thuế đất nông nghiệp được miễn thêm 5 năm, kéo dài tới hết 2030

Thuế đất nông nghiệp được miễn thêm 5 năm, kéo dài tới hết 2030

Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, áp dụng đến hết 2030, nhằm hỗ trợ sản xuất và hiện đại hóa nông nghiệp.