Sau thời gian phát triển “nóng”, Đà Nẵng lộ rõ nhiều bất cập trong quản lý đất đai, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ. Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực phát triển.
Nhiều khó khăn, vướng mắc chờ tháo gỡ
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Đà Nẵng đã tập trung khai thác giá trị đất đai, biến tài nguyên này thành nguồn lực tài chính để xây dựng đô thị hiện đại, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch và mở rộng không gian đô thị. Giai đoạn đầu, tiềm năng về quỹ đất được tận dụng hiệu quả, góp phần định hình diện mạo đô thị mới cho thành phố.
Tuy nhiên, sau thời gian phát triển “nóng”, Đà Nẵng đối mặt với nhiều hệ lụy. Nhiều khu đất lớn và lô đất tái định cư chưa sử dụng bị bỏ hoang, hoặc bị chiếm dụng trái phép. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc.
Từ năm 2022 đến tháng 5/2025, thành phố chỉ đấu giá thành công 14 khu đất lớn và 88 lô đất tái định cư, thu về gần 840 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến đầu năm 2025, Đà Nẵng vẫn còn tồn đọng tới 351 khu đất lớn và 14.929 lô đất tái định cư chưa được khai thác. Đây là một nguồn lực đáng kể, cần được “giải phóng” để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Trung ương đã đề ra.
Sân vận động Chi Lăng bị bỏ hoang 10 năm nay do liên quan đến đại án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh.Không chỉ gặp khó về quỹ đất, Đà Nẵng còn gặp khó bởi hàng loạt vướng mắc liên quan đến quy hoạch và các kết luận thanh tra. Trong thời gian dài, nhiều dự án bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư.
Từ năm 2012 đến 2020, thành phố đã chịu tác động từ 4 Kết luận của Thanh tra Chính phủ và 3 bản án hình sự phúc thẩm. Việc thực hiện các kết luận này ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều dự án. Có tới 1.313 dự án bị rà soát, xác định có sai phạm liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh lâu dài. Riêng tại bán đảo Sơn Trà, 13 dự án vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục đầu tư, quy hoạch và đất đai. Nhiều khu đất khác bị “mắc kẹt” trong thi hành án, dẫn đến đình trệ kéo dài. Trong khi đây vốn là những dư địa phát triển quan trọng của thành phố.
Trước thực trạng đó, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực khắc phục. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đà Nẵng đã huy động nhiều nguồn lực, quyết liệt triển khai các biện pháp xử lý theo kiến nghị của các cơ quan thanh tra.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra đã lâu, liên quan đến nhiều chủ thể và trải qua các thời kỳ với chính sách, pháp luật thay đổi. Một số nội dung chưa có quy định pháp luật cụ thể hoặc đã có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. Thêm vào đó, một số sai sót xuất phát từ lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều dự án đã chuyển nhượng qua nhiều chủ đầu tư, thậm chí có dự án nhà ở đã bàn giao cho người dân sinh sống ổn định từ nhiều năm trước.
Do đó, cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân đều đang trông đợi vào những giải pháp đột phá để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Nhiều khu đất lớn và lô đất tái định cư tại Đà Nẵng từng bị bỏ hoang hoặc chiếm dụng trái phép. Tích cực vào cuộc, cùng Trung ương tháo gỡ vướng mắc
Khắc phục thực trạng nhiều dự án, quỹ đất trên địa bàn bị đình trệ kéo dài do vướng mắc pháp lý, từ cuối năm 2020, Đà Nẵng đã chủ động vào cuộc. Thường trực Thành ủy chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề liên quan khác. Tổ này được kiện toàn theo Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 của UBND thành phố, chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất hướng xử lý các trường hợp thuộc thẩm quyền thành phố và báo cáo Trung ương đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Song song đó, thành phố chủ động phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (thành lập theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/1/2022), đồng thời xây dựng và trình 3 báo cáo kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại các dự án, khu đất liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án.
Những nỗ lực này đã góp phần tạo nền tảng chính trị, pháp lý cho những tháo gỡ mang tính hệ thống. Ngày 2/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố". Riêng Đà Nẵng có 10 nội dung được đề cập: 4 nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, 1 nội dung thuộc Thủ tướng Chính phủ và 5 nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố.
Tiếp đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 170/2024/QH15, quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, TP.HCM và Khánh Hòa. Ngày 1/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương triển khai giải pháp cụ thể. Với Đà Nẵng, đây là cú hích quan trọng, giúp địa phương tháo gỡ hàng loạt vướng mắc tồn đọng nhiều năm và khơi thông hàng ngàn héc-ta đất đang bị "treo".
Thành phố Đà Nẵng tập trung tháo gỡ vướng mắc dự án, chống lãng phí đất đai.Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/12/2024, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: thành phố đã sớm nhận diện nguy cơ lãng phí tài nguyên đất đai và dự án “đắp chiếu”, đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ thành phố. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đà Nẵng kiên trì kiến nghị, thúc đẩy tháo gỡ tại các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, đoàn ĐBQH thành phố đã tham gia góp ý sâu sát vào quá trình xây dựng Nghị quyết 170. Nhờ đó, có đến 80% nội dung tháo gỡ trong nghị quyết này liên quan trực tiếp đến Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực này. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group – vùng miền Trung cho rằng, chủ trương của Trung ương và thành phố Đà Nẵng là rất kịp thời, đúng trọng tâm và mang lại hiệu quả thực chất. Nhờ vậy, các điểm nghẽn kéo dài đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện để các dự án bị đình trệ được hồi phục, đồng thời khơi thông dòng vốn đầu tư, chống lãng phí tài nguyên và cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đáng chú ý, từ sự chủ động đề xuất của thành phố, trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, Quốc hội tiếp tục đồng thuận giao thêm cơ chế tháo gỡ vướng mắc về đất đai và đầu tư. Cụ thể, Đà Nẵng được phép thu hồi đất để xây dựng các hạng mục trung tâm logistics theo Điều 79 của Luật Đất đai 2024; được tổ chức điều tra, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi có quyết định thu hồi đối với các dự án có quy mô lớn như khu công nghiệp, công nghệ cao, khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, thành phố còn được phép tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công thuộc nhóm B trong lĩnh vực giao thông – một thay đổi mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ hạ tầng. Ngoài ra, Quốc hội cũng cho phép cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do Nhà nước quản lý – tháo gỡ bất cập kéo dài trong quản lý và vận hành hạ tầng đô thị.
Những quyết sách mạnh mẽ từ Trung ương cùng với sự chủ động, quyết liệt của Đà Nẵng đang mở ra một giai đoạn phát triển mới. Việc khơi thông các vướng mắc đất đai không chỉ tạo động lực cho các dự án cụ thể, mà còn góp phần định hình lại chiến lược phát triển đô thị bền vững, hiện đại, giàu sức cạnh tranh của thành phố trong tương lai.