Sign In

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép lĩnh vực làm mát vào NDC

09:00 14/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Từ ngày 13 đến 14/6/2025, Cuộc họp các Bên tham gia Cam kết Làm mát toàn cầu diễn ra tại thành phố Bonn, CHLB Đức. Tại đây, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Việt Nam.

Cuộc họp các Bên tham gia Cam kết Làm mát Toàn cầu có sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên và tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện Cam kết, tăng cường hợp tác kỹ thuật và thiết lập cơ chế thực hiện toàn cầu trong lĩnh vực làm mát.

Trong phiên họp chuyên đề về lồng ghép lĩnh vực làm mát vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về làm mát (NCAP), ông Lê Ngọc Tuấn cho biết: Việc lồng ghép này là một thông điệp để thúc đẩy các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tích cực chủ động đầu tư, đổi mới sáng tạo và áp dụng các giải pháp làm mát bền vững, hiệu quả năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 Ông Lê Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN-MT) phát biểu tại cuộc họp

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng NDC 3.0 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Mục tiêu nhằm huy động rộng rãi sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội vào triển khai các giải pháp làm mát toàn diện, nhằm thích ứng với điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan, khắc nghiệt. Nội dung làm mát trong NDC của Việt Nam tập trung vào thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải và tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với nắng nóng cực đoan.

Trước đó, nhận thấy lĩnh vực làm mát có tiềm năng đóng góp vào nỗ lực của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã đưa lĩnh vực này vào các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022. Đồng thời, Việt Nam cũng đã ưu tiên lồng ghép làm mát trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng các-bon thấp. 

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại Cuộc họp các Bên tham gia Cam kết Làm mát toàn cầu, các Bên đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, bao gồm việc xây dựng cơ chế làm việc cho Ủy ban Liên chính phủ về Làm mát (IGCC); thiết lập mạng lưới “Nhà vô địch về làm mát” (Cool Champions) hỗ trợ triển khai thực hiện Cam kết tại các quốc gia; và tổ chức các chương trình đào tạo về cơ chế tài chính cho làm mát, tích hợp nội dung làm mát vào NDC, cũng như các giải pháp thích ứng với nắng nóng cực đoan. 

Những kết quả này sẽ đóng vai trò tiền đề chuẩn bị cho Hội nghị cấp Bộ về Làm mát tại COP30 sắp tới, nơi các quốc gia sẽ cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp làm mát bền vững trên toàn cầu.

Cam kết Làm mát Toàn cầu hướng đến mục tiêu giảm 68% phát thải của lĩnh vực làm mát vào năm 2050 thông qua ba giải pháp quan trọng bao gồm: Tăng cường các giải pháp làm mát thụ động (như cây xanh, mái nhà mát, quy chuẩn xây dựng xanh), (2) thúc đẩy công nghệ làm mát hiệu quả năng lượng và chuyển đổi sang môi chất lạnh thân thiện với khí hậu. Cam kết cũng nhấn mạnh nguyên tắc công bằng - đảm bảo mọi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển vốn chịu tác động mạnh từ các đợt nắng nóng ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.

Nguyễn Đặng Thu Cúc

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Bộ NN&MT: Công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành đã ký ban hành Quyết định số 2599/QĐ-BNNMT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn

Từ ngày 6-11/7, Hội nghị lần thứ 47 Nhóm công tác mở rộng các Bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (OEWG47) diễn ra tại thủ đô Bangkok, Vương quốc Thái Lan.

Tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật năm 2025

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (UKMO) tổ chức Hội thảo tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Dịch vụ Thông tin thời tiết và khí hậu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh tài trợ.