Sign In

Vệ tinh theo dõi sức khỏe rừng ngập mặn

14:00 24/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Một hệ thống giám sát rừng ngập mặn mới, dựa trên dữ liệu vệ tinh và điện toán đám mây, đang mở ra cánh cửa mới cho công tác bảo tồn tại Việt Nam.

Người đứng sau hướng tiếp cận này là TS Nguyễn An Bình - Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM (nay là Viện Khoa học sự sống) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thay vì phải lội rừng, khảo sát từng khu vực như trước đây, nhóm nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel-2 cùng nền tảng Google Earth Engine để theo dõi liên tục và toàn diện các đặc tính sinh thái của rừng ngập mặn. Từ hàm lượng diệp lục trong lá đến mức độ khô hạn, tất cả được lượng hóa qua thuật toán học máy hiện đại.

Nhờ đó, những thay đổi nhỏ nhất như dấu hiệu suy thoái rừng có thể được phát hiện sớm hơn, giúp các nhà quản lý chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phục hồi. Không chỉ là công cụ giám sát, phương pháp này còn là một lời đáp cho bài toán bảo vệ hệ sinh thái vốn mong manh và đang chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động khai thác quá mức.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những vùng nghiên cứu của dự án.

Rừng ngập mặn không chỉ là “tường chắn” thiên nhiên trước bão, mà còn là nơi lưu giữ carbon, duy trì đa dạng sinh học và sinh kế cho hàng triệu cư dân ven biển. Tuy nhiên, theo ước tính, thế giới đã mất đi từ 20 - 35% diện tích rừng ngập mặn chỉ trong vài thập kỷ. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Điểm đáng chú ý trong công trình là việc nhóm của TS Bình kết hợp mô hình truyền bức xạ PROSAIL với thuật toán Gaussian Processes Regression (GPR). Đây là một kỹ thuật học máy tiên tiến để phân tích ảnh vệ tinh. Họ còn phát triển phương pháp xử lý mây che phủ bằng kỹ thuật tái cấu trúc dữ liệu, giúp theo dõi liên tục từ năm 2019 đến nay.

Tại vùng nghiên cứu như Vườn quốc gia Mũi Cà Mau hay mô hình tôm - rừng ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), công trình đã tạo ra bản đồ chi tiết về tình trạng rừng. Trong tương lai, nhóm dự kiến sẽ tích hợp thêm nhiều nguồn dữ liệu để theo dõi động thái rừng sâu hơn và chính xác hơn nữa.

L.Nhi

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Công nghệ viễn thám giúp phát triển nông nghiệp hiện đại và gìn giữ môi trường

Công nghệ viễn thám giúp phát triển nông nghiệp hiện đại và gìn giữ môi trường

Công nghệ viễn thám đang trở thành công cụ không thể thiếu trong giám sát tài nguyên, phát triển nông nghiệp hiện đại và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực viễn thám

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ban hành Quyết định số 764/QĐ-BNNMT công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực viễn thám thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Công nghệ viễn thám: Giải pháp cảnh báo hạn hán cho Tây Nguyên

Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu viễn thám nguồn mở về năng suất nước (WaPOR) tại khu vực Tây Nguyên nhằm đánh giá, giám sát tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp dựa trên công nghệ viễn thám.