Sign In

Sử dụng vệ tinh radar giám sát, bảo vệ môi trường Hà Nội

10:11 19/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa đề xuất sử dụng vệ tinh LOTUSat-1 để cung cấp dữ liệu giám sát tài nguyên, phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Với đặc điểm là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học lớn, nằm trong vùng kinh tế phát triển, Hà Nội luôn đối mặt với nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, quá tải trong xử lý chất thải rắn, nước thải.

Các chuyên gia môi trường nhận định, Hà Nội đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với các dòng sông chết, các bãi chôn lấp rác thải quá tải, suy thoái đất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng vào mùa đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân, đòi hỏi các giải pháp xử lý cấp bách và quyết liệt.

Theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, Vệ tinh LOTUSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam được trang bị cảm biến Radar, sử dụng sóng vô tuyến băng tần X. Vệ tinh có khối lượng khoảng 570kg, có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Đây là một ưu điểm đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi tỷ lệ thời gian có mây trong năm khá cao, khoảng 80%.

Dữ liệu ảnh thu nhận từ LOTUSat-1 được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh chất lượng, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời nhằm giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Ảnh: VNSC

Trước đó, để triển khai LOTUSat-1, Việt Nam kí kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Đến nay, vệ tinh LOTUSat-1 đã hoàn thành chế tạo từ tháng 2/2024, hoàn thành tích hợp và thử nghiệm hệ thống mặt đất tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Việt Nam từ tháng 11/2024. Dự kiến LOTUSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo trong năm 2025.

Theo TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, sau khi hoạt động trên quỹ đạo, dữ liệu từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bảo vệ môi trường Hà Nội thông qua việc giám sát đô thị hóa, kiểm soát chất thải và quản lý nước mặt.

Về giám sát đô thị hóa, dữ liệu LOTUSat-1 có khả năng theo dõi sự phát triển không gian đô thị, giúp các nhà quản lý đánh giá tác động của quá trình này đến môi trường, từ đó đưa ra các quy hoạch phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực kiểm soát chất thải, vệ tinh cung cấp thông tin về vị trí và tình trạng của các bãi chôn lấp, giúp phát hiện sớm các vấn đề ô nhiễm và tối ưu hóa quản lý chất thải.

Đối với quản lý nước mặt, dữ liệu LOTUSat-1 có thể theo dõi sự biến động của các nguồn nước như sông, hồ, giúp phát hiện các dấu hiệu ô nhiễm và hỗ trợ quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Những dữ liệu này cung cấp cái nhìn toàn diện và chi tiết, giúp Hà Nội chủ động ứng phó với các thách thức môi trường.

Bên cạnh đó, dữ liệu vệ tinh LOTUSat-1 còn giúp cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường ở khu vực rộng lớn hơn, đem đến khả năng cung cấp cho Hà Nội cái nhìn rộng lớn trong thời gian dài. 

Minh Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Công nghệ viễn thám giúp phát triển nông nghiệp hiện đại và gìn giữ môi trường

Công nghệ viễn thám giúp phát triển nông nghiệp hiện đại và gìn giữ môi trường

Công nghệ viễn thám đang trở thành công cụ không thể thiếu trong giám sát tài nguyên, phát triển nông nghiệp hiện đại và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Vệ tinh theo dõi sức khỏe rừng ngập mặn

Vệ tinh theo dõi sức khỏe rừng ngập mặn

Một hệ thống giám sát rừng ngập mặn mới, dựa trên dữ liệu vệ tinh và điện toán đám mây, đang mở ra cánh cửa mới cho công tác bảo tồn tại Việt Nam.

Chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực viễn thám

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ban hành Quyết định số 764/QĐ-BNNMT công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực viễn thám thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.