Sign In

Chủ tịch Quốc hội: Không để tình trạng 'nói nhiều làm ít', 'nói mà không làm'

12:30 18/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cấp ủy Đảng khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết 66, không để tình trạng 'nói nhiều làm ít', 'nói mà không làm'.

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề: "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".

Công tác thi hành pháp luật phải đột phá

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu 3 nội dung trọng tâm về một số vấn đề về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết 66; những mặt được, những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua; Những nội dung trọng tâm, cốt lõi Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị; Những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 197, ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66 và những nội dung cơ bản trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66 của Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ.

Trong bài truyền đạt của mình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Nghị quyết 66 chỉ rõ 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là 'đột phá của đột phá'. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Nghị quyết 66 chỉ rõ 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Nghị quyết 66 chỉ rõ 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”; nâng cao đời sống của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành pháp luật. Xác định rõ đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển.

Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trọng tâm là khẳng định xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng.

"Một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” – thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.

Các quy định pháp luật cần ổn định, đơn giản, dễ hiểu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác xây dựng pháp luật được yêu cầu phải rất chủ động trong nghiên cứu chiến lược và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm tăng tính dự báo, nâng cao chất lượng chính sách", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thi hành pháp luật ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời chú trọng các lĩnh vực thiết yếu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội được huy động tích cực tham gia giám sát thi hành pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật. Nghị quyết yêu cầu xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đa dạng hóa truyền thông chính sách (kể cả ứng dụng công nghệ số). Đồng thời, kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp.

Không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 66 đối với Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, ngày 17/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 197 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập về cơ chế tài chính, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Chính phủ sẽ có quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể; có cơ chế kiểm soát bảo đảm các yêu cầu về hiệu quả, công khai, minh bạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhất là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Đặc biệt, chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

Một lần nữa nhấn mạnh việc đổi mới tư duy lập pháp, trong xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng ủy Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan có liên quan chú trọng bảo đảm nguyên tắc: một số bộ luật, luật quy định về quyền con người, quyền công dân, tố tụng tư pháp thì cần cụ thể, về cơ bản các luật khác, nhất là luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

"Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của cơ quan mình. Trong đó, lưu ý phải xác định đúng, đủ nhiệm vụ của từng cơ quan, gắn với thời hạn thực hiện cụ thể, kết quả đầu ra rõ ràng, đồng thời, có cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm để những chủ trương, quyết sách trong Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống mang lại những kết quả cụ thể có thể kiểm đếm và người dân cảm nhận được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Dứt khoát không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”. Tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

180520251150-anh-3-115236_149

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đạt được các mục tiêu đột phá mà Nghị quyết đề ra đòi hỏi mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, sáng tạo, thực chất. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Mỗi cơ quan, mỗi cá nhân phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, song song với việc thi hành nghiêm minh pháp luật và khuyến khích sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng sự hưởng ứng, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

 

Việt Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

'Bộ tứ nghị quyết trụ cột' để Việt Nam cất cánh

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Kế hoạch triển khai một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Kế hoạch triển khai một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Cải cách mạnh mẽ, tạo xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân

Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp và đóng góp 60% GDP năm 2045.