Sign In

Thủ tướng nhấn mạnh định hướng "nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, công nghệ cao"

11:15 05/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Phát biểu trước Quốc hội về giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, công nghệ cao, thị trường bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sáng 5/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sáng 5/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Sáng 5/5, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.

Đầu tiên, cần theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch.

Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP.

Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.

"Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính", Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để". "Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh", Thủ tướng nói.

Các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, môi trường, tài nguyên được Thủ tướng đề cập trong báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng.

Các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, môi trường, tài nguyên được Thủ tướng đề cập trong báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng.

Liên quan đến phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính.

Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, trong đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh một số ngành công nghiệp nền tảng, phát triển đột phá các ngành mới nổi. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia.

Với ngành nông nghiệp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng "nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững". Song song đó, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh dự báo, kịp thời ứng phó thiên tai, mưa bão. Xây dựng khung chính sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất hiếm.

Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết", giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Trong lĩnh vực giao thông, Thủ tướng cho biết, phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án quan trọng, động lực khác. Phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Cũng tại báo cáo này, Thủ tướng nêu thêm một số nhiệm vụ, giải pháp như chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường; Phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ; Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.

Cuối cùng là chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt và đẩy mạnh truyền thông chính sách.

 

Tùng Đinh - Khương Trung

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES).
Đừng bỏ quên tầng đất mặt khi sửa luật trồng trọt

Đừng bỏ quên tầng đất mặt khi sửa luật trồng trọt

Việc sửa đổi Luật Trồng trọt cần tiếp cận một cách toàn diện, nhằm đặt nền móng cho nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng xanh và khai thác bền vững tài nguyên đất đai – trong đó, tầng đất mặt là một trong những yếu tố then chốt nhưng dễ bị lãng quên.

Bàn giải pháp tháo "nút thắt" trong quản lý đất đai, môi trường và phát triển nông nghiệp tại Điện Biên

Ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.