Sign In

Vùng phát thải thấp: Cú hích tái thiết đô thị và không khí Hà Nội

10:05 22/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Thí điểm vùng phát thải thấp có thể mở hướng đi cho Hà Nội trong giải bài toán ô nhiễm không khí.

Mô hình kép trong quy hoạch

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã được xác định do nhiều nguyên nhân khác nhau như giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, công nghiệp... Trong đó, hoạt động giao thông chiếm đến 50-70% lượng phát thải bụi mịn PM2.5.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, giao thông là lĩnh vực có khả năng kiểm soát và tác động được nếu có những biện pháp quy hoạch và điều tiết hiệu quả.

Tuy nhiên, giải quyết ô nhiễm không chỉ đơn giản là cắt giảm phát thải. Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, cần có các biện pháp về quy hoạch đô thị.

Hà Nội hiện vẫn đang phát triển theo mô hình “mở rộng vô hướng”, dẫn đến mật độ dân cư cao, thiếu không gian xanh và hệ thống giao thông công cộng chưa đủ năng lực phục vụ đại đa số người dân.

Một trong những giải pháp mà Hà Nội đang theo đuổi là quy hoạch vùng phát thải thấp (Low Emission Zone) - khu vực cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân gây ô nhiễm. Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND đã được thông qua nhằm định hình khu vực phát thải thấp đầu tiên tại khu vực nội đô​.

Theo Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP. Hà Nội có hiệu lực từ 1/1/2025, từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Hiện Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; khu vực phố cổ để thí điểm vùng phát thải thấp vì các khu vực này đã tổ chức phố đi bộ và cấm phương tiện vào cuối tuần.

Song song, thành phố sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng xanh như các tuyến đường đi bộ, hành lang cây xanh và hệ thống kiểm soát giao thông thông minh... nhằm giảm thiểu ùn tắc và cải thiện lưu thông khí, đúng theo tinh thần trong Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030 (Quyết định 1142/QĐ-UBND) nêu rõ: “Quy hoạch đô thị phải đồng bộ với quy hoạch môi trường; phát triển xanh là trọng tâm, không phải tùy chọn”.​

Việc xây dựng vùng phát thải thấp là một trong những giải pháp then chốt trong định hướng quy hoạch đô thị mới nhằm cải thiện chất lượng không khí Hà Nội. Đây không chỉ là biện pháp hạn chế nguồn phát thải trực tiếp, mà còn là cú hích để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện xanh như xe buýt điện, xe đạp công cộng, tàu điện đô thị.

Nếu được triển khai đồng bộ, vùng phát thải thấp sẽ là mô hình kép vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng đô thị phát thải carbon thấp trong tương lai.

Hà Nội đang ô nhiễm không khí mức báo động

Nền tảng cho sự thay đổi bền vững

Việc triển khai vùng phát thải thấp như một giải pháp quy hoạch trong kiểm soát ô nhiễm không khí được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cho rằng: “Việc xác định và khoanh vùng các khu vực phát thải thấp sẽ giúp quản lý nguồn ô nhiễm hiệu quả hơn, đặc biệt là tại các khu vực mật độ dân cư cao, giao thông dày đặc và có nhiều công trình xây dựng”.

Theo ông, nếu được thực hiện bài bản, vùng phát thải thấp sẽ là công cụ “phân luồng” nguồn khí thải, từ đó giảm áp lực ô nhiễm cho các khu vực trung tâm thành phố, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng và phương tiện xanh như xe buýt điện, xe đạp, xe cá nhân sử dụng năng lượng sạch.

Bên cạnh lợi ích về môi trường, các chuyên gia cũng chỉ ra tính ưu việt của mô hình này ở khả năng tạo ra sự thay đổi hành vi bền vững trong cộng đồng. Khi người dân bị giới hạn quyền lưu thông bằng phương tiện cũ, không đạt tiêu chuẩn về khí thải, họ sẽ có xu hướng chuyển đổi sang các giải pháp ít phát thải hơn, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về lối sống xanh, giao thông thông minh.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, phương án này vẫn còn một số thách thức. Việc áp dụng vùng phát thải thấp cần đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng và lộ trình chuyển đổi phương tiện phù hợp, nếu không sẽ dẫn đến bất cập trong di chuyển của người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp. Vùng phát thải thấp là một công cụ chính sách quy hoạch tiên tiến, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả, cần song hành với đầu tư hạ tầng, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hà Nội không thể tiếp tục “chữa cháy” bằng các biện pháp ngắn hạn. Quy hoạch đô thị không thể tách rời quy hoạch môi trường. Việc thiết lập các vùng phát thải thấp không chỉ mang lại hiệu quả trước mắt trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, mà còn tạo nền tảng cho sự chuyển đổi bền vững về giao thông, hạ tầng và lối sống đô thị. Đây là bước đi thể hiện tư duy dài hạn, đặt sức khỏe người dân làm trọng tâm và môi trường sống làm ưu tiên.

Hoàng Hiền

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
'Đôi mắt' của quản lý môi trường

'Đôi mắt' của quản lý môi trường

So sánh như vậy bởi quan trắc môi trường là một hệ thống theo dõi thầm lặng nhưng không thể thiếu để gìn giữ sự an toàn, giúp phát triển bền vững.
Triển lãm Tăng trưởng xanh: 'Sáng tạo nhỏ - Tác động lớn'

Triển lãm Tăng trưởng xanh: 'Sáng tạo nhỏ - Tác động lớn'

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, Triển lãm về Tăng trưởng xanh đã khai mạc vào chiều 16/4.

Hợp tác Việt Nam - Nam Phi: Hình mẫu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

Nam Phi cam kết cùng Việt Nam nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển dịch năng lượng công bằng, quản lý vùng biển và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.