Sign In

Xây dựng 3 Nghị định, 18 Thông tư về đất đai liên quan đến chính quyền hai cấp

15:07 25/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký Quyết định số 1010/QĐ-BNNMT ban hành Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án xử lý liên quan đến xây dựng mô hình chính quyền hai cấp thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng 3 Nghị định trình Chính phủ và xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 18 Thông tư.

Cụ thể 3 Nghị định gồm: Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Dự thảo Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1/6/2025.

18 Thông tư về phân cấp, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong các lĩnh vực: đất đai; lâm nghiệp và kiểm lâm; chăn nuôi và thú y; thủy sản và kiểm ngư; trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy lợi; quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai; kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, giảm nghèo; địa chất và khoáng sản; tài nguyên nước; môi trường; biến đổi khí hậu; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; biển và hải đảo; đo đạc bản đồ và thông tin địa lý; kế hoạch tài chính; văn phòng; tổ chức cán bộ.

Đáng chú ý, Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1/6/2025. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Minh Ngân chỉ đạo xây dựng dự thảo. Cục Quản lý Đất đai là đơn vị chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan, hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 10/5/2025.

Việc xây dựng trình ban hành và ban hành các văn bản nêu trên nhằm cụ thể hóa mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp và môi trường.

Tại buổi làm việc, về xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phân cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp vào ngày 23/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định này có ý nghĩa quan trọng cả về thể chế và thực tiễn, góp phần cụ thể hóa Luật Đất đai 2024 trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. “Nghị định sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, tăng tính tự chủ cho địa phương, giảm tải cho cấp tỉnh, đồng thời đẩy mạnh phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị lồng ghép các thủ tục về đất đai với lâm nghiệp, đồng thời nghiên cứu mối quan hệ giữa giao đất và giao rừng, cùng với chính sách đền bù cây rừng. Các nội dung này sẽ được lấy ý kiến từ địa phương trước khi hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính khoảng 30%, trong đó cần đảm bảo việc giải quyết thủ tục không phụ thuộc vào địa giới hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trường An

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Kịp thời hỗ trợ cấp xã thực hiện quy định mới về đất đai

Kịp thời hỗ trợ cấp xã thực hiện quy định mới về đất đai

Từ ngày 1/7, vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, số lượng lớn công việc liên quan thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai được chuyển giao về cấp xã thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng triển khai tập huấn hướng dẫn, thành lập các tổ công tác đặc biệt đồng hành, hỗ trợ cơ sở.
Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 2] Gỡ nút thắt đất đai, vào nhịp phát triển mới

Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 2] Gỡ nút thắt đất đai, vào nhịp phát triển mới

Đà Nẵng hiện đang tích cực triển khai Kết luận 77 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 170 của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai cho các dự án. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên sau khi sáp nhập với Quảng Nam.
Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 1] - Kiên trì, tích cực vào cuộc cùng Trung ương tháo gỡ vướng mắc

Đà Nẵng khơi thông nguồn lực đất đai: [Bài 1] - Kiên trì, tích cực vào cuộc cùng Trung ương tháo gỡ vướng mắc

Sau thời gian phát triển “nóng”, Đà Nẵng lộ rõ nhiều bất cập trong quản lý đất đai, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ. Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực phát triển.