Ngày 30/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng các thành viên Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức Hội thảo “Tổng kết công tác khắc phục hậu quả thiên tai của Đối tác và lập kế hoạch cho mùa mưa bão năm 2025”.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đại diện các tổ chức tổ chức quốc tế và đại biểu đến từ các địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi như Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn.
Trong bối cảnh mùa mưa bão 2025 đang diễn ra, Hội thảo lần này đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm rà soát toàn diện công tác phục hồi, nhận diện những tồn tại trong ứng phó và đề ra các giải pháp thực tiễn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội thảo Nội dung trọng tâm của Hội thảo gồm đánh giá hiệu quả của các hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó có triển khai hỗ trợ tiền mặt, phục hồi sinh kế và tái thiết cơ sở hạ tầng; thảo luận về việc rà soát và hoàn thiện Nghị định số 50 về tiếp nhận và sử dụng viện trợ quốc tế trong bối cảnh thiên tai nhằm đảm bảo việc cứu trợ khẩn cấp được triển khai kịp thời, minh bạch và đúng đối tượng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình hỗ trợ tiền mặt mà các tổ chức quốc tế đã triển khai trong thời gian qua.
Ngay sau bão Yagi, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ban ngành Trung ương đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên. Đồng thời, trích ngân sách trung ương hơn 5.500 tỷ đồng và xuất cấp hơn 1.000 tấn gạo từ dự trữ quốc gia. Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã huy động tổng số tiền 2.155 tỷ đồng và gần hết.
Sau bão số 3 Yagi, Việt Nam nhận được hơn 25 triệu USD viện trợ từ quốc tế. Trong đó, 16,7 triệu USD được chuyển qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường với hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận 222 tấn hàng cứu trợ, trị giá 2,3 triệu USD. Hàng cứu trợ được vận chuyển kịp thời đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ.
Bà Pauline Tamesis – Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo.Về nhà ở và vệ sinh môi trường, tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện 4 dự án bố trí dân cư tập trung cho 299 hộ; Yên Bái đã hỗ trợ 866 hộ nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng, phải di dời khẩn cấp với tổng kinh phí gần 30.000 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi, hư hỏng nặng, 50 triệu đồng/hộ có nhà hư hỏng nặng.
Về nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản, tài liệu hướng dẫn khôi phục sản xuất; chỉ đạo cử hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại; hỗ trợ 1.052 tấn hạt giống các loại và 90.000 lít hoá chất khử trùng cho các địa phương. Các tổ chức, cá nhân thông qua Bộ NN&MT đã hỗ trợ khoảng 245,46 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Về giao thông, các tuyến giao thông đường bộ đến 22/9/2024 đều cơ bản thông tuyến. Cầu Phong Châu bị sập, trôi 2 nhịp và dự kiến cầu mới sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10/2025. Các công tác khắc phục về điện, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế đều được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và giúp khôi phục sinh hoạt cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Quang cảnh hội thảoTại hội thảo, các nhóm nhóm lĩnh vực đã đề xuất những điểm cần lưu ý cho mùa thiên tai năm 2025. Đặc biệt, phần thảo luận về hoạt động hỗ trợ tiền mặt đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các tỉnh, tổ chức quốc tế và các nhóm kỹ thuật chuyên môn, nhằm hoàn thiện quy trình và mở rộng triển khai trên thực tế.
Các đại biểu chia sử những vướng mắc, khó khăn khi áp dụng Nghị định số 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ khẩn cấp quốc tế để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai trng thực tiễn. Đặc biệt với tình huống thiên tai cực đoan, khẩn cấp thì các quy định đang làm mất nhiều thời gian, gây chậm trễ trong việc tiếp nhận viện trợ và chưa chỉ rõ đầu mối tiếp nhận viện trợ tại các địa phương. Do đó, cần có sự điều chỉnh các quy định nhằm tháo gỡ rào cản. Mục tiêu không chỉ giảm nhẹ thiệt hại mà còn nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của người dân và cộng đồng trước các rủi ro ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu.