Nhật Bản kỳ vọng sẽ giới thiệu mô hình sản xuất sắn tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp giám sát sức khỏe đất thông minh.
Sáng 9/7, Thứ trưởng Hoàng Trung tiếp đoàn công tác JICA, do GS Takuro Shinano - trưởng dự án phía Nhật Bản làm trưởng đoàn.
Ngày 26/12/2024, Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phê duyệt Dự án chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn ở Việt Nam thông qua canh tác tuần hoàn và quản lý chuỗi giá trị tinh bột sắn thông minh. Cuộc gặp là dịp phía dự án báo cáo tiến độ triển khai trong 6 tháng đầu năm 2025 và thúc đẩy thực hiện các hợp phần trong chương trình hợp tác chung ngành sắn giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung tiếp GS Takuro Shinano, Trường Đại học Hokaido Nhật Bản. Ảnh: Kiều Chi.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao ý nghĩa và mục tiêu của dự án giúp phát triển thành công mô hình canh tác tuần hoàn trong sản xuất sắn đầu tiên ở Việt Nam, hỗ trợ trực tiếp cho Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ.
Hiện nay, cây sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Việc ứng dụng mô hình canh tác tuần hoàn và các công nghệ mới sẽ giúp gia tăng giá trị, cải thiện chất lượng và phát triển ngành sắn theo hướng xanh, bền vững.
Thứ trưởng đề nghị dự án khẩn trương hoàn thiện phòng thí nghiệm, phương pháp đo lường cũng như bố trí chuyên gia triển khai thí nghiệm tại Tây Ninh - địa phương được chọn làm điểm thực hiện mô hình thí điểm.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để JICA triển khai các hợp phần của dự án. Ảnh: Kiều Chi.
Thứ trưởng cũng chỉ rõ, điểm quan trọng của dự án kể đến việc tích hợp phương pháp đo đếm hàm lượng carbon (MRV), giám sát, quản lý thông minh chuỗi giá trị. Việc thiết lập vùng canh tác tuần hoàn nhằm chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn sẽ được thực hiện thông qua xác định các giống sắn dự trữ carbon, xây dựng các phương pháp canh tác tuần hoàn và giám sát thông số đất - cây trồng bằng công nghệ cao như: cảm biến, dữ liệu vệ tinh và máy bay không người lái.
"Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để JICA và các đối tác triển khai các hợp phần của dự án đúng tiến độ và hiệu quả", Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định.

GS Takuro Shinano tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung. Ảnh: Kiều Chi.
Báo cáo tại cuộc gặp, GS Takuro Shinano cho biết: "Đoàn công tác đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh tiến hành điều tra, khảo sát và lựa chọn lại điểm thí nghiệm mô hình của dự án. Khu vực được chọn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đủ nước tưới, đảm bảo an toàn lao động và có tiềm năng nhân rộng".
Theo ông, dự án hướng tới xây dựng một nền tảng kỹ thuật vững chắc cho Việt Nam, với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất sắn theo hướng phát thải thấp.
Dự kiến mô hình sẽ được triển khai từ tháng 9 năm nay, song song bố trí thời gian phù hợp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, và hoàn thiện lắp đặt thiết bị tại phòng thí nghiệm, cung cấp trang thiết bị trong phòng phân tích và thiết kế ở Tây Ninh.
GS Takuro Shinano cam kết phối hợp với các cơ quan Việt Nam tiếp tục chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn giống, chuẩn hóa quy trình canh tác phù hợp phục vụ cho các thí nghiệm thực địa.
Dự án được thực hiện thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), chia làm 4 hợp phần: (i) Lựa chọn các nguồn carbon có khả năng tăng hấp thụ carbon trong đất; (ii) Thiết lập kỹ thuật đo hàm lượng carbon trong đất dựa trên điều kiện đồng ruộng; (iii) Thiết lập tổng hợp biện pháp nông nghiệp tái sinh tăng lưu trữ carbon trong đất; (iv) Xây dựng chiến lược toàn diện để cung cấp tinh bột bền vững dựa trên gói nông nghiệp tái sinh cho phép tích trữ carbon. |