
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai 2025. Ảnh: H.Đ.
Sáng 17/5, tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Bảo Thắng (Lào Cai), Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cùng sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2025.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, với chủ đề “Cộng đồng bền vững - Thích ứng thiên tai”, Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2025 nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của người dân trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Một cộng đồng vững mạnh không chỉ giảm nhẹ được rủi ro mà còn là nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững. Thích ứng hiệu quả với thiên tai chính là thích ứng vì tương lai an toàn, ổn định của nhân dân và đất nước.

Các đại biểu ký và in hình bàn tay nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai năm 2025 cho cộng đồng. Ảnh: H.Đ.
“Cộng đồng là nơi đầu tiên chịu tác động khi thiên tai xảy ra, nhưng cũng là lực lượng đầu tiên đứng lên ứng phó và phục hồi. Khi mỗi người dân nhận thức rõ rủi ro, mỗi thôn bản có phương án sẵn sàng và tinh thần tương thân tương ái được phát huy, thì năng lực chống chịu sẽ ngày càng vững chắc. Trong đó, vai trò cầu nối xuyên suốt của các thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt là lớp lớp các bạn học sinh là rất quan trọng cho hiện tại và tương lai trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, xây dựng cộng đồng bền vững và có khả năng thích ứng với thiên tai đồng nghĩa với việc ưu tiên 4 nội dung chính: Hệ thống giảm nhẹ rủi ro thiên tai được thiết kế nhằm bảo vệ tốt hơn cho các em; Kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng và thích ứng với khí hậu đặt sự an toàn, phúc lợi và tiếng nói của trẻ em ở vị trí trung tâm; Củng cố hệ thống cảnh báo sớm để tiếp cận được mọi trường học, gia đình và trẻ em trên toàn quốc.
Theo bà Silvia Danailov, các kế hoạch thích ứng và ứng phó do địa phương dẫn dắt phải được đầu tư ngay và hướng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ thông điệp của những bức tranh về thiên tai ở vùng cao Lào Cai. Ảnh: H.Đ.
Lào Cai là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất bởi mưa lũ trong bão số 3 năm 2024. Chính vì vậy, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã có một loạt hoạt động thúc đẩy ý thức học tập, tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai cho các em học sinh tại Lào Cai. Các hoạt động được hàng nghìn học sinh tham gia: Thi vẽ tranh “Góc nhìn trước thiên tai”; Thi rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” và hoạt động ngoại khóa vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”…
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay, Lào Cai là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như: Mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại… Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương, đặc biệt là bão số 3.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao giải cho học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh phòng chống thiên tai. Ảnh: H.Đ.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và đồng bào hảo tâm trên cả nước, công tác khắc phục hậu quả đã được triển khai khẩn trương. Nhờ đó, đời sống nhân dân sớm được ổn định, đến nay mặc dù chưa hoàn toàn khôi phục nhưng cơ bản đã đáp ứng được sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Xuất phát từ thực tế đó, tỉnh Lào Cai xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với phương châm “4 tại chỗ”, hành động sớm và hiệu quả, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp toàn diện: Từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, truyền thông cộng đồng, đến việc đặc biệt quan tâm tới nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, học sinh…

Các em học sinh vùng cao thích thú với những bức tranh về phòng chống thiên tai. Ảnh: H.Đ.

Bức tranh "Nỗi đau Làng Nủ" đoạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: H.Đ.