Sign In

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024: Bước tiến mới trong quản trị tài nguyên

16:05 01/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mang theo kỳ vọng tạo bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy quản trị tài nguyên ở Việt Nam.

Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc điều tra, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản. Việc triển khai Luật có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang bắt đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Tư duy quản trị mới: “Điều tra trước - khai thác sau”

Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, điểm nổi bật nhất của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là lần đầu tiên công tác địa chất được đặt ngang hàng với quản lý khoáng sản trong một chỉnh thể thống nhất. Điều này thể hiện rõ quan điểm “điều tra trước - khai thác sau”, chuyển hướng từ tư duy “cấp phép” sang “quy hoạch - giám sát vòng đời tài nguyên”.

“Đây là bước chuyển lớn trong tư duy quản lý, hướng tới quản trị tài nguyên hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và các mục tiêu tăng trưởng xanh, trung hòa carbon đến năm 2050”, ông Trọng nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Trần Bình Trọng, một trong những điểm đổi mới nổi bật của Luật là việc phân loại khoáng sản thành 4 nhóm (I, II, III, IV) theo mức độ chiến lược và quy mô khai thác. Nhờ đó, đối với các loại khoáng sản phổ biến như đất san lấp (nhóm IV), quy trình thủ tục được đơn giản hóa chỉ còn là “đăng ký khai thác”, thay vì phải xin cấp phép như trước đây.

Ngược lại, với những loại khoáng sản chiến lược như kim loại hiếm (nhóm I), Luật vẫn áp dụng quy trình quản lý chặt chẽ. Cách tiếp cận này vừa giảm tải thủ tục hành chính, vừa đảm bảo hiệu quả trong quản lý tài nguyên khoáng sản quan trọng.

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 cũng thể hiện tinh thần phân quyền mạnh mẽ, trao thêm thẩm quyền cho chính quyền cấp tỉnh. Cụ thể, UBND cấp tỉnh có quyền cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản nhóm II, III, IV; phê duyệt đề án điều tra cơ bản do địa phương tự bố trí vốn; đồng thời có quyền thu hồi các khu vực dự trữ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để hỗ trợ các địa phương thực thi hiệu quả vai trò mới, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chuẩn bị đồng bộ nhiều giải pháp. Về thể chế, tham gia xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, kèm hệ thống mẫu biểu và quy trình thực hiện bằng thương thức điện tử. 

Về hạ tầng số, Cục xây dựng Cổng thông tin địa chất GeoPortal nhằm phục vụ quản lý dữ liệu, cấp phép và chia sẻ thông tin địa chất, khoáng sản. Về nghiệp vụ, Cục biên soạn Sổ tay hướng dẫn triển khai Luật và xây dựng bộ chỉ số giám sát thực hiện, giúp địa phương theo dõi hiệu quả, minh bạch tiến trình thực thi.

Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản chính thức có hiệu lực. Ảnh: Lan Chi.

Đồng hành cùng địa phương thực hiện Luật

Trên cơ sở thực hiện các giải pháp trên, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong việc đưa Luật vào cuộc sống. Trong đó có thể kể đến việc tổ chức 18 hội nghị phổ biến pháp luật trên toàn quốc để truyền tải đầy đủ các nội dung mới của Luật và văn bản hướng dẫn, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9/2025.

Đồng thời, Cục thực hiện khóa đào tạo trực tuyến với 30 tiết học dành riêng cho cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương, giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, đơn vị vận hành tổng đài hỗ trợ và hộp thư điện tử 24/7, kịp thời giải đáp vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng Luật.

Ngoài ra, Cục phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương thực hiện 12 chuyên đề truyền thông với chủ đề “Khoáng sản - nguồn lực cho phát triển bền vững”, nhằm lan tỏa nhận thức cộng đồng về khai thác hiệu quả và có trách nhiệm.

“Chúng tôi không chỉ là cơ quan chuyên môn mà còn là người bạn đồng hành của các địa phương trên hành trình đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống”, ông Trọng chia sẻ.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng địa phương, ngành địa chất và khoáng sản vẫn cần vượt qua nhiều thách thức lớn. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là thiếu dữ liệu điều tra ở độ sâu, do phần lớn các hoạt động điều tra địa chất thời gian qua chủ yếu mới dừng lại ở lớp bề mặt. Để giải quyết, Cục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ điều tra 3D và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu địa chất chuyên sâu.

Một bất cập khác là cơ chế tài chính chưa phù hợp, khi trước đây doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác một lần với số tiền lớn. Luật Địa chất và Khoáng sản đã tháo gỡ điểm nghẽn này bằng quy định cho phép nộp tiền hằng năm theo sản lượng thực tế.

Hơn nữa còn có tình trạng chồng lấn trong quy hoạch. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do quy hoạch chưa tính đến không gian địa chất - khoáng sản trong lòng đất. Cục sẽ kiến nghị tích hợp không gian địa chất vào các quy hoạch cấp quốc gia, từ đó hạn chế xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên.

Cùng với đó, vấn đề lạc hậu trong công nghệ khai thác và chế biến sâu khoáng sản cũng được nhận diện rõ khi nhiều doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng công nghệ cũ, dẫn đến hiệu quả thấp và tỷ lệ chế biến sâu hạn chế. Để tháo gỡ, Cục sẽ phối hợp xây dựng danh mục công nghệ khai thác - chế biến khoáng sản chiến lược, từ đó có cơ chế ưu tiên hỗ trợ tín dụng, thuế và nghiên cứu chuyển giao công nghệ phù hợp với từng loại hình khoáng sản.

Khi những khó khăn này từng bước được tháo gỡ, ngành địa chất và khoáng sản sẽ có điều kiện để bứt phá mạnh mẽ. Ông Trần Bình Trọng kỳ vọng: “Luật sẽ đưa ngành địa chất trở thành hạ tầng kiến thức cho phát triển đất nước, và ngành khoáng sản bước vào giai đoạn khai thác xanh, thông minh, hiệu quả, đóng góp hài hòa cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Luật là công cụ để chúng ta gìn giữ tài nguyên cho thế hệ tương lai trong hành trình hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững, hùng cường vào năm 2045”.

Mai Đan

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Vững bước sau hợp nhất, tăng tốc phát triển

Sáu tháng đầu năm 2025, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong quản lý địa chất, khoáng sản.

Thẩm định các đề án thăm dò khoáng sản tại hai địa phương

Sáng 25/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản.
Đất hiếm nằm trong danh sách 11 nhóm công nghệ chiến lược

Đất hiếm nằm trong danh sách 11 nhóm công nghệ chiến lược

Đất hiếm, đại dương, lòng đất là một trong 11 nhóm công nghệ chiến lược của Việt Nam vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025.