Sign In

Đổi mới sáng tạo trong khuyến nông bắt nhịp mô hình chính quyền hai cấp

15:59 03/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Sáng 3/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Phương Linh.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Phương Linh.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh thực hiện tinh gọn bộ máy và triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, Trung tâm chú trọng xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, trồng trọt giảm phát thải, chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững. Mạng lưới khuyến nông cộng đồng phát triển mạnh với hơn 5.000 tổ được thành lập trên toàn quốc, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, thông tin truyền thông, các nội dung gắn với truy xuất nguồn gốc, tư vấn thị trường.

Ngoài ra, Trung tâm tổ chức nhiều sự kiện phục vụ chỉ đạo sản xuất của Bộ như: Hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối thích ứng biến đổi khí hậu” trong khuôn khổ Sự kiện Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025, các hoạt động phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; hỗ trợ phát triển thủy sản, triển khai mô hình OCOP ở Lào Cai.

 “Thuận lợi lớn nhất là sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường và khung pháp lý tương đối đầy đủ, cùng với sự chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Tuy nhiên, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn như thiếu hụt nhân lực ở các bộ phận mới (như Văn phòng điều phối vùng ĐBSCL), cơ chế phối hợp vùng còn chưa rõ ràng, hệ thống chính sách hướng dẫn chưa đầy đủ và nguồn lực tài chính còn hạn chế”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát tổng thể hệ thống và cơ chế hoạt động khuyến nông từ cơ sở đến trung ương. Ảnh: Phương Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát tổng thể hệ thống và cơ chế hoạt động khuyến nông từ cơ sở đến trung ương. Ảnh: Phương Linh.

Trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến 2050. Đồng thời, ban hành Quy chế quản lý chương trình, dự án khuyến nông trung ương và hướng dẫn các địa phương kiện toàn hệ thống khuyến nông cấp tỉnh và xã.

Để triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa, Trung tâm sẽ đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải khí nhà kính, cũng như tăng cường hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức toàn hệ thống.

Song song đó, các sự kiện khuyến nông vùng ĐBSCL sẽ được tổ chức để đánh giá kết quả bước đầu, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các cơ chế triển khai hiệu quả. Đề án khuyến nông cộng đồng tiếp tục được mở rộng nhằm lan tỏa phương thức sản xuất bền vững. Trung tâm cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác công tư, hợp tác quốc tế với các tổ chức như JICA, UNIDO, BioPlan, Bayer... để tận dụng chuyên môn, kinh nghiệm và nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng và tính bền vững cho các hoạt động khuyến nông trong giai đoạn mới.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo và Văn phòng điều phối vùng ĐBSCL và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến nông, từ đó bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong giai đoạn mới.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến 2050. Ảnh: Phương Linh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến 2050. Ảnh: Phương Linh.

Để kiện toàn bộ máy sau mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống và cơ chế hoạt động khuyến nông từ cơ sở đến Trung ương. “Lãnh đạo phải trực tiếp xuống từng vùng để kiểm tra, họp với cán bộ khuyến nông địa phương để nắm bắt thực trạng tổ chức, nhân lực và hoạt động khuyến nông ở địa bàn, từ đó có cơ sở thực tiễn để tham mưu chính xác cho lãnh đạo Bộ.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện các dự án khuyến nông, đặc biệt là tại những địa bàn còn bất cập, nhằm giúp địa phương có cơ sở điều chỉnh quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa những mô hình hiệu quả, hoạt động liên kết và tổ chức sự kiện để giúp chính quyền địa phương hiểu rõ hơn vai trò, chức năng của khuyến nông. Từ đó khuyến khích bà con cùng tham gia định hướng và triển khai sản xuất.

Thứ trưởng lưu ý thêm, khi xây dựng các dự án khuyến nông mới, cần tư duy theo hướng phát triển vùng nguyên liệu và chuỗi liên kết, lựa chọn mô hình điểm phù hợp để lan tỏa, thay vì chỉ tập trung vào chọn cây gì, con gì. Quan trọng hơn, quy trình triển khai cần bám sát thực tiễn, gắn với nhu cầu thực tế và năng lực của các chủ thể tham gia, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai dự án.

Phương Linh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Sản phẩm OCOP phải hướng tới thương hiệu quốc gia, chinh phục thị trường toàn cầu

Sản phẩm OCOP phải hướng tới thương hiệu quốc gia, chinh phục thị trường toàn cầu

Sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như thương hiệu Việt Nam, được bảo hộ, quảng bá và tổ chức sản xuất theo chuẩn quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu, thực hiện '3 tăng tốc'

Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu, thực hiện '3 tăng tốc'

Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong gần 20 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu "3 tăng tốc" để huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024, giải ngân 100% vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, xây dựng ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội.
Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 6 tháng đầu năm, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.