Sign In

Hướng dẫn báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến

10:48 21/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 7/3, hai hội thảo đào tạo về kiểm kê khí nhà kính và sử dụng Hệ thống báo cáo kết quả trực tuyến cho lĩnh vực hóa chất và nhiệt điện đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là hệ thống báo cáo quốc gia đang được Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng và hoàn thiện. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có tên trong Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg sẽ thực hiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ trong thời gian tới. 

Hội thảo là một phần trong chuỗi đào tạo về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cho doanh nghiệp thuộc khuôn khổ dự án SPI-NDC, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản tài trợ và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì. Sự kiện thu hút 213 đại biểu trong buổi đào tạo cho lĩnh vực hóa chất, cùng 193 đại biểu tham dự buổi đào tạo cho lĩnh vực nhiệt điện theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Bà Đặng Hồng Hạnh, Ttrưởng nhóm chuyên gia trong nước của dự án SPI-NDC, Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) phát biểu tại Hội thảo

Về hai lĩnh vực của đợt tập huấn lần này, kết quả kiểm kê năm 2020 cho thấy, phát thải khí nhà kính lĩnh vực hóa chất là hơn 19 triệu tấn CO2tđ, và ngành điện phát thải 130 triệu tCO2tđ - chiếm 29% tổng phát thải quốc gia. Theo Báo cáo nghiên cứu, xây dựng hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam năm 2023, riêng nhiệt điện than phát thải 113 triệu tCO2tđ, chiếm trên 90% tổng phát thải ngành điện.

Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg,  ngành Công Thương có 32 cơ sở nhiệt điện và hơn 200 cơ sở sản xuất hóa chất phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê ngành Công Thương, trong đó có hóa chất và nhiệt điện. Theo đó, việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải và hấp thụ KNK. 

Các đại biểu thảo chia sẻ những vướng mắc trong công tác báo cáo kiểm kê khí nhà kính

Trước mắt, các doanh nghiệp đang thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở cho năm 2024 và chuẩn bị nộp báo cáo kiểm kê cấp cơ sở lần đầu tiên, thời hạn là 31/3/2025. Công tác nộp báo cáo được thực hiện 2 năm 1 lần, gửi tới UBND cấp tỉnh để thẩm định. Hệ thống báo cáo trực tuyến dự kiến được đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo lần sau, thay thế cho việc báo cáo giấy như hiện nay và thuận tiện hơn cho công tác tổng hợp. 

Theo bà Đặng Hồng Hạnh, Ttrưởng nhóm chuyên gia trong nước của dự án SPI-NDC, Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC), việc kiểm kê KNK không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định của Chính phủ mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược giảm phát thải và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê KNK trực tuyến là một công cụ quan trọng, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện kiểm kê và báo cáo kết quả khí nhà kính một cách chính xác, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. 

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, ông Trần Hà Ninh cho biết: Việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm thực thi pháp luật, mà còn đến từ nhiều động lực khác. Tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM)… đã và đang tạo ra các áp lực phải chuyển đổi. Một số thị trường mới đang hình thành như thị trường về hàng hóa và dịch vụ môi trường, thị trường nguyên liệu thứ cấp, thị trường các sản phẩm thân thiện môi trường, thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh, thị trường việc làm xanh, thị trường các-bon trong nước và quốc tế... đều đỏi hỏi phải thực hiện kiểm kê KNK. Bên cạnh đó, xu hướng thị trường dấn tới gia tăng áp lực cạnh tranh và đòi hỏi phải tiết kiệm chi phí sản xuất...

Các đại biểu thực hành trên hệ thống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến, làm quen với giao diện, các chức năng chính và quy trình thực hiện báo cáo trên hệ thống

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các thông tin về cơ chế, chính sách trong báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; kinh nghiệm triển khai công tác kiểm kê tại Nhật Bản; phương pháp kiểm kê KNK cho các cơ sở sản xuất hóa chất, nhiệt điện. Đại diện các doanh nghiệp cũng thực hành tính toán giả định trên hệ thống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến, làm quen với giao diện, các chức năng chính và quy trình thực hiện báo cáo trên hệ thống... Qua thực hành, các đại biểu đánh giá cao hệ thống này vì tính hữu ích và giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng. Nhiều ý kiến cũng trao đổi, làm rõ những vướng mắc trong thực hiện kiểm kê và công tác báo cáo kiểm kê tới cơ quan quản lý. 

Theo bà Đặng Thị Hồng Hạnh, các ý kiến sẽ được tiếp thu để tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo trong thời gian tới. Qua đó, tăng cường năng lực kiểm kê và báo cáo KNK cho các cơ sở và góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm phát thải của quốc gia theo các cam kết quốc tế.

Khánh Ly

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Phần Lan đánh giá dấu chân sinh thái trong hệ thống giao thông

Phần Lan đánh giá dấu chân sinh thái trong hệ thống giao thông

Đại học Jyväskylä sẽ tiến hành đánh giá dấu chân sinh thái của toàn bộ hệ thống giao thông của Phần Lan.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 122/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Kế hoạch).
Phát triển ‘đê thấm’ có kết cấu rỗng giảm xói lở bờ biển

Phát triển ‘đê thấm’ có kết cấu rỗng giảm xói lở bờ biển

Nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã phát triển loại "đê thấm" có kết cấu rỗng linh hoạt, có thể tiêu tán năng lượng sóng, giảm xói lở và hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái ven biển.