Sign In

Định hình vị thế mới cho sầu riêng Việt Nam

18:23 24/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

'Minh bạch, trách nhiệm, bền vững' là kim chỉ nam để ngành sầu riêng duy trì đà tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Tại Hội nghị phát triển sầu riêng bền vững chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Minh bạch, trách nhiệm, bền vững” sẽ là kim chỉ nam cho ngành sầu riêng trong giai đoạn tới. Đây là yêu cầu tất yếu để duy trì đà tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Định hình vị thế mới cho sầu riêng Việt Nam

Dù khởi đầu muộn hơn so với nhiều quốc gia xuất khẩu lớn, ngành sầu riêng Việt Nam đang cho thấy bước tiến vượt bậc trên thị trường thế giới. Điểm nhấn lớn nhất trong chặng đường phát triển chính là việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu. Thỏa thuận này không chỉ mở cửa thị trường mà còn đặt ra tiêu chuẩn mới cho sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đang từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, điều kiện tiên quyết để xây dựng một chuỗi cung ứng minh bạch, có trách nhiệm. Tính đến ngày 21/5 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam, nâng tổng số mã được chấp thuận lên hàng nghìn, một tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Chuỗi liên kết trong ngành cũng đang dần hình thành, tạo điều kiện cho việc phân phối lợi ích công bằng giữa nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương. Những nền tảng này được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá là bước đi đúng hướng, giúp ngành hàng đóng góp ngày càng lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tăng trưởng nóng và những thách thức cần tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ngành sầu riêng đang đối mặt với không ít thách thức mang tính hệ thống. Đầu tiên là tình trạng tăng trưởng diện tích và sản lượng quá nhanh, vượt ngoài khả năng kiểm soát. Nhiều vùng trồng mở rộng không theo quy hoạch, dẫn tới mất cân đối cung - cầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm và khả năng tiêu thụ.

Liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị vẫn còn lỏng lẻo. Mô hình “mạnh ai nấy làm” khiến nỗ lực xây dựng thương hiệu tập thể khó đạt hiệu quả, trong khi yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, cả về an toàn thực phẩm lẫn truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm và động viên người dân trồng sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Hoài.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm và động viên người dân trồng sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Hoài.

Một số trường hợp gian lận mã số vùng trồng đã xảy ra, gây tổn hại đến uy tín của ngành hàng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý và chế tài xử lý vẫn còn thiếu và chưa đủ sức răn đe. Cùng với đó, năng lực kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của ngành.

Thực tế cũng cho thấy xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sản phẩm tươi, khiến ngành hàng bị động trong điều tiết mùa vụ và thị trường. Tỷ trọng thị trường cũng chưa được đa dạng hóa, khi Trung Quốc vẫn là điểm đến gần như duy nhất, tiềm ẩn rủi ro lớn về chính sách nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng.

Mặt khác, Việt Nam vẫn thiếu một quy trình canh tác đồng bộ và đạt chuẩn, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói, vận chuyển. Đây là điểm yếu cốt lõi khiến sản phẩm khó đáp ứng toàn diện các yêu cầu trong Nghị định thư và các tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác quản lý chuỗi giá trị sầu riêng cũng chưa phát huy được tính chủ động của chính quyền địa phương, chưa tương thích với tinh thần phân cấp, phân quyền mà Trung ương đã đề ra. Điều này khiến việc điều phối và giám sát ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập.

Với định hướng rõ ràng, ngành sầu riêng Việt Nam đứng trước cơ hội bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ từ cả hệ thống, từ nông dân, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền. 3 trụ cột minh bạch, trách nhiệm và bền vững không chỉ là thông điệp, mà phải trở thành hành động cụ thể trong từng khâu của chuỗi giá trị.

Rà soát vùng trồng, kiểm soát nội bộ chặt chẽ

Chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương rà soát kỹ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và hạ tầng để xác định các khu vực phù hợp phát triển sầu riêng. Việc mở rộng diện tích cần dựa trên cơ sở khoa học, tuyệt đối không chạy theo phong trào, càng không được xâm lấn đất rừng, đất dốc, gây nguy cơ thoái hóa đất và mất cân bằng sinh thái.

Bộ trưởng cho biết hiện mới chỉ khoảng 20-25% tổng diện tích sầu riêng cả nước được cấp mã số vùng trồng, con số còn rất thấp so với yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Nếu nâng tỷ lệ này lên 70-80%, giá trị ngành hàng có thể tăng lên đáng kể. Để làm được điều đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xác định rõ trách nhiệm của từng chủ sở hữu mã. Những vi phạm như cho mượn mã, làm giả hồ sơ hoặc gian lận truy xuất nguồn gốc cần được xử lý nghiêm.

'Minh bạch, trách nhiệm, bền vững' sẽ là kim chỉ nam cho ngành sầu riêng trong giai đoạn tới. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Minh bạch, trách nhiệm, bền vững” sẽ là kim chỉ nam cho ngành sầu riêng trong giai đoạn tới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cùng với đó, Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình giám sát nội bộ, xây dựng hệ thống kiểm soát tại từng vùng trồng. Đây là cơ sở để các địa phương chủ động kiểm tra định kỳ, đánh giá chất lượng và duy trì hiệu lực của mã số.

Bộ trưởng đề xuất có thể thử nghiệm mô hình giám sát như vải thiều ở Bắc Giang, với sự tham gia của chính quyền địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân. Ngoài các mô hình trong nước, Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống kiểm soát tiên tiến.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng kêu gọi các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kho lạnh, hệ thống logistics và hình thành chuỗi liên kết khép kín từ vùng trồng đến xuất khẩu. Đặc biệt, việc tuyên truyền cho hợp tác xã và nông dân về canh tác bền vững, cũng như trách nhiệm giữ vững mã số đã được cấp, là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Trung Quốc vừa phê duyệt thêm gần 1.000 mã số mới.

Đề nghị các bộ, ngành vào cuộc đồng bộ

Để đảm bảo mục tiêu phát triển sầu riêng bền vững, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.

Cụ thể, Bộ Công Thương cần đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam, đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua các hội chợ, nền tảng số và các kênh phân phối hiện đại. Việc nâng tầm hình ảnh sẽ giúp sầu riêng Việt có chỗ đứng vững chắc hơn ở những thị trường có yêu cầu khắt khe.

Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan rút ngắn thời gian kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt trong mùa vụ cao điểm. Đồng thời, cần nghiên cứu các chính sách thuế ưu đãi nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng đề xuất mở rộng các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp trong ngành sầu riêng, tương tự các chính sách đang áp dụng cho thủy sản và gỗ. Đây là điều kiện cần thiết để nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận mã số vùng trồng, làm giả hồ sơ truy xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia. Người dân cũng cần chủ động tố giác các hành vi sai phạm để bảo vệ lợi ích chung của ngành hàng.

"Chúng ta đã được phía Trung Quốc cấp gần 1.000 mã số vùng trồng và đóng gói. Nhưng giữ được những mã số này mới là bài toán khó, đòi hỏi trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý, mà của cả doanh nghiệp, hợp tác xã và từng hộ dân,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từng nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc

Trước hết, Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhanh chóng hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Cục cần ban hành đồng bộ quy trình canh tác bền vững, bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành hàng; trong đó, ưu tiên số một là chuẩn hóa sản phẩm để đảm bảo độ đồng đều trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra đất, phân bón, xây dựng bản đồ đất, từ đó cảnh báo sớm những vùng trồng không đạt chuẩn nhằm giúp người dân và hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững, minh bạch và lành mạnh.

Ngành sầu riêng Việt Nam đang cho thấy bước tiến vượt bậc trên thị trường thế giới. Ảnh minh họa.

Ngành sầu riêng Việt Nam đang cho thấy bước tiến vượt bậc trên thị trường thế giới. Ảnh minh họa.

Đối với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhiệm vụ trọng tâm là rút ngắn thời gian đánh giá, công nhận các phòng thử nghiệm mới, đồng thời xây dựng kịch bản tiêu thụ hợp lý. Kiểm soát cần bắt đầu ngay từ vườn, từ cơ sở sơ chế, không để dồn hết khâu kiểm tra vào giai đoạn cuối cùng trước khi thông quan. Như vậy, việc kiểm soát chất lượng mới đảm bảo tính xuyên suốt và kịp thời.

Vụ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ phối hợp với doanh nghiệp và địa phương nghiên cứu các đề tài chuyên sâu liên quan đến sầu riêng, trong đó có cả ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và phát triển giống chất lượng cao.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông đa phương tiện để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nâng cao kiến thức canh tác, từng bước hình thành các mô hình sản xuất sầu riêng bền vững.

Cuối cùng, Cục Chuyển đổi số được giao xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn hóa về ngành hàng sầu riêng. Hệ thống này sẽ giúp điều hành sản xuất, cung cấp thông tin thị trường và tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã chủ động trong chiến lược kinh doanh.

Doanh nghiệp và người dân cần cùng chung tay phát triển ngành hàng

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân nâng cao ý thức, cam kết sản xuất sầu riêng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ông lưu ý, người dân không sử dụng hóa chất cấm, không thu mua hoặc sản xuất từ những vùng trồng không đạt chuẩn. Việc kiểm soát phải chặt chẽ từ khâu canh tác đến chế biến, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng.

Bên cạnh sản phẩm tươi, Bộ trưởng khuyến khích phát triển sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa chủng loại để gia tăng giá trị. Đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và người tiêu dùng có yêu cầu cao về chất lượng.

“Muốn ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, không thể thiếu sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm từ các cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, hợp tác xã và từng người nông dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Ngành hàng sầu riêng đang chuyển từ tăng trưởng về sản lượng sang phát triển theo hướng kiểm soát chặt chẽ, có thương hiệu, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, từng bước khẳng định vị thế là mặt hàng nông sản chủ lực mang tầm vóc quốc gia. Đây là trách nhiệm chung mà mỗi bên, từ cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp đến người nông dân, cần xác định rõ ràng, biến quyết tâm thành hành động cụ thể, nhằm hướng tới một ngành hàng sầu riêng minh bạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Theo nongnghiepmoitruong.vn

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 255/TB-VPCP ngày 23/5/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
 Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Hơn 650 Đoàn trong nước và quốc tế đến viếng

Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Hơn 650 Đoàn trong nước và quốc tế đến viếng

Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tính đến 17 giờ ngày 24/5, có 655 Đoàn (khoảng 9.300 lượt người) đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Kiểm soát sầu riêng từ gốc, tránh tình trạng bị trả hàng

Kiểm soát sầu riêng từ gốc, tránh tình trạng bị trả hàng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, tránh tái diễn hàng loạt lô hàng bị trả về.