Sign In

Di dời chăn nuôi bảo vệ môi trường là quyết sách mang tính chiến lược

14:14 15/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường cần có chính sách đồng bộ.

“Lỡ hẹn” di dời chăn nuôi do không quyết liệt vào cuộc

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là đúng đắn, mang tính chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn; bởi nó liên quan đến vấn đề môi trường, văn hóa, du lịch…

Việc quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung sẽ là tiền đề để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.

Hiện tại, trên cơ sở quy định của pháp luật, các địa phương đã thực hiện việc di dời và chính sách hỗ trợ. Tính đến hết tháng 3/2025, đã có 48/63 tỉnh, thành phố (chiếm hơn 76%) ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về vùng được phép chăn nuôi; có 31/42 tỉnh, thành phố đang nuôi chim yến (gần 74%) ban hành nghị quyết về vùng nuôi chim yến; có 48/63 tỉnh, thành phố (hơn 76%) ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; có 45/63 tỉnh, thành phố (hơn 71%) đã ban hành quyết định của UBND về mật độ chăn nuôi trên toàn tỉnh.

Ông Đăng cũng cho rằng, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai 2024, trong đó có quy định về đất cho chăn nuôi tập trung đã giúp ngành chăn nuôi lần đầu tiên được hỗ trợ nguồn tư liệu sản xuất rất quan trọng.

Nghị định 106/2024/NĐ-CP ngày 1/8/2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2024 đã có chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi (tại Điều 7). Theo đó, các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng, hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành (1/1/2020) và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.

Đặc biệt, Luật Chăn nuôi đã quy định rất rõ, cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Như vậy, các quy định đã cơ bản đầy đủ; Luật đã để độ trễ cho các địa phương cùng cơ sở chăn nuôi tới 5 năm để chuẩn bị. Cho nên, đến hiện tại, địa phương, cơ sở chăn nuôi nào “lỡ hẹn” là do không quyết liệt vào cuộc, triển khai chậm.

Di dời cơ sở chăn nuôi nhằm tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại

Nghiên cứu quy hoạch quỹ đất phù hợp cho chăn nuôi

Hiện nay, đối với những địa phương chưa thể tìm được quỹ đất mới phù hợp cho chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi chưa thể di dời hoặc nông dân không thể chuyển đổi ngành nghề thì trước mắt chính quyền địa phương có thể tạm thời cho phép các hộ tiếp tục hoạt động ở quy mô nhỏ hơn và bắt buộc áp dụng công nghệ xử lý chất thải để giảm ô nhiễm trong khi chờ tìm địa điểm mới.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 đã mở ra cơ hội sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục tiêu. Các địa phương có thể tận dụng đất nông nghiệp hiện có (như đất trồng trọt kém hiệu quả) để chuyển đổi, bố trí quỹ đất để di dời sang đất chăn nuôi tập trung. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng quy định lại và cấp phép sử dụng đất phù hợp, tránh xung đột với các mục tiêu khác như trồng lúa.

UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường của từng cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi và kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với trường hợp vi phạm, không bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường theo quy định.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương trong việc lập kế hoạch chi tiết, phối hợp với các cơ sở, ban, ngành (nông nghiệp, tài nguyên, môi trường…) để tìm kiếm đất thay thế, dù là ở địa phương lân cận. Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ lợi ích của việc di dờinhận được các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Chăn nuôi nông hộ phải chủ động thay đổi

Trước hết, cần phải khẳng định Luật Chăn nuôi và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 bên cạnh việc đặt mục tiêu đẩy mạnh mô hình trang trại quy mô lớn, hiện đại, công nghiệp, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, minh bạch và bảo vệ môi trường vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ đã giảm nhanh với tỷ lệ 15 -20%. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ và xu hướng có thể sẽ giảm thêm. Mặc dù vậy, không thể loại bỏ hoàn toàn mô hình chăn nuôi nông hộ bởi đây vẫn là sinh kế của hàng triệu nông dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn thì việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư như trước đây sẽ không còn phù hợp.

Chúng ta phải hiểu rằng, để duy trì việc cân bằng giữa tăng trưởng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước và mở rộng xuất khẩu với bảo vệ môi trường là bài toán thách thức đối với ngành nông nghiệp.

Định hướng của Đảng, Nhà nước cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện đã khẳng định rõ “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu”.

Ngành chăn nuôi cũng định hướng: phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm; đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, muốn phát triển kinh tế hộ bền vững, bảo vệ môi trường, các nông hộ nhỏ cần tham gia chuỗi giá trị ngành hàng cùng doanh nghiệp, thay đổi tập quán theo hướng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.

Để doanh nghiệp có thể thuận lợi tiếp cận, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần chủ động nâng cao nhận thức, đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc liên kết lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất. Đây là cơ sở để các “mắt xích” trong chuỗi xây dựng quan hệ hợp tác bền vững.

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm từ các công đoạn sản xuất khác, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường; chú trọng công c kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc…

Trung Quân

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Vùng phát thải thấp: Cú hích tái thiết đô thị và không khí Hà Nội

Vùng phát thải thấp: Cú hích tái thiết đô thị và không khí Hà Nội

Thí điểm vùng phát thải thấp có thể mở hướng đi cho Hà Nội trong giải bài toán ô nhiễm không khí.
'Đôi mắt' của quản lý môi trường

'Đôi mắt' của quản lý môi trường

So sánh như vậy bởi quan trắc môi trường là một hệ thống theo dõi thầm lặng nhưng không thể thiếu để gìn giữ sự an toàn, giúp phát triển bền vững.
Triển lãm Tăng trưởng xanh: 'Sáng tạo nhỏ - Tác động lớn'

Triển lãm Tăng trưởng xanh: 'Sáng tạo nhỏ - Tác động lớn'

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, Triển lãm về Tăng trưởng xanh đã khai mạc vào chiều 16/4.