Sign In

Công nghệ xanh - vai trò then chốt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

11:15 01/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Trong khuôn khổ hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam, ngày 30/6, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường đổi mới và công nghệ hướng tới tăng trưởng xanh”. Sự kiện thu hút gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp.

Hợp tác quốc tế thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Phát biểu khai mạc, bà Yookyung Lee, Phó giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam, nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong xu thế toàn cầu hóa của chuyển đổi xanh, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nhu cầu đầu tư lớn cho “chuyển đổi kép” (số hóa và xanh hóa), thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn ESG trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Lee khẳng định, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp then chốt giúp Việt Nam vượt qua các rào cản này.

Thông qua KOICA, Chính phủ Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp” và hỗ trợ xây dựng báo cáo kỹ thuật về Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh cấp tỉnh.

Bà Yookyung Lee, Phó Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giao thông vận tải xanh: Giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính

Theo bà Jin Young Kim, chuyên gia Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Hàn Quốc (KRIC), ngành giao thông chiếm tới 18% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam và là nguồn chính phát sinh bụi mịn PM2.5 tại các đô thị lớn, gây thiệt hại kinh tế khoảng 14 tỷ USD/năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Bà Kim nhấn mạnh vai trò của điện hóa phương tiện, phát triển xe điện, xe buýt điện và sử dụng nhiên liệu sạch như hydro. Đơn cử như VinFast, với kế hoạch sản xuất 600.000 ô tô điện và 500.000 xe máy điện/năm, đang dẫn đầu xu hướng này tại Việt Nam.

Ngoài ra, các hệ thống giao thông công cộng xanh như xe buýt nhanh (BRT) đang được triển khai ở Hà Nội, Đà Nẵng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như giảm thuế nhập khẩu, miễn đăng kiểm, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện.

Tuy nhiên, việc phát triển giao thông xanh vẫn gặp khó khăn như chi phí đầu tư cao, hạ tầng sạc thiếu đồng bộ, và sức cạnh tranh từ thị trường xe cũ giá rẻ. Bà Kim kiến nghị, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng sạc, hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng và thúc đẩy giao thông công cộng thông minh.

Trước đó, cùng chủ đề này, ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, phát thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Do đó, chuyển đổi sang năng lượng xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết và không thể đảo ngược.

PGS-TS Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng phát thải khí nhà kính gia tăng trong suốt ba thập kỷ qua, với mức tăng 33,5% từ năm 1990 đến 2019. Trước thực trạng này, Liên minh châu Âu đã đặt mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính từ ngành giao thông vào năm 2050 so với mức năm 1990.

Trước xu hướng toàn cầu hướng đến giao thông xanh, điện hóa phương tiện được xem là một trong những giải pháp trọng yếu nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Theo ước tính, việc điện hóa giao thông đường bộ có thể giúp cắt giảm tới 1/3 lượng khí thải của toàn ngành vào năm 2030.

PGS-TS.Đàm Hoàng Phúc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển phương tiện điện hóa, nhờ tiềm năng mạnh mẽ về nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

 

Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh mà không lo bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khu vực, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia cũng đang tăng tốc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, tạo ra sức ép và đồng thời là động lực cho Việt Nam.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển xe thân thiện môi trường, PGS-TS.Phúc kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia dành cho xe điện hóa. Đây là công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời định hướng phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và ngành công nghiệp phụ trợ.

Về lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2030 được xác định là giai đoạn kích cầu thị trường. Trong đó, cần triển khai các chính sách ưu đãi thuế, phí cho các dòng xe hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện theo mức độ giảm phát thải; khuyến khích đầu tư vào nhà máy sản xuất, nghiên cứu - phát triển công nghệ và hạ tầng trạm sạc.

Việt Anh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật năm 2025

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (UKMO) tổ chức Hội thảo tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Dịch vụ Thông tin thời tiết và khí hậu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh tài trợ.
Hòa Bình: Hiệu quả từ mô hình dùng than sinh học cải tạo đất

Hòa Bình: Hiệu quả từ mô hình dùng than sinh học cải tạo đất

Từ tháng 3/2025, Hội Người cao tuổi tỉnh Hòa Bình hợp tác với Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HAI) đã triển khai thí điểm mô hình trồng tre lục trúc kết hợp với sản xuất than sinh học tại xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).
Sở NN-MT giám sát các cơ sở giảm phát thải khí nhà kính tại địa phương

Sở NN-MT giám sát các cơ sở giảm phát thải khí nhà kính tại địa phương

Sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) là cơ quan theo dõi, giám sát các cơ sở thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm phải kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn.