Sign In

Chủ động từng giờ, quyết liệt từ cơ sở để ứng phó cơn bão số 3

18:36 20/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bão số 3 diễn biến nhanh, phức tạp, Chính phủ yêu cầu các địa phương kích hoạt ứng phó sớm, không để bị động, chủ quan, đặc biệt tại khu vực xung yếu cấp xã.

Diễn giải để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bão

Sáng 20/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó với bão số 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về công tác chủ động ứng phó với bão số 3. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về công tác chủ động ứng phó với bão số 3. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão Wipha có tốc độ di chuyển nhanh nhưng thời gian dừng lại gần đất liền tương đối lâu nên dễ gây ra những thiệt hại lớn cả trên biển và đất liền khi bão đổ bộ. Trước tình huống này, các cơ quan chuyên môn cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phân tích đúng bản chất phức tạp, nguy hiểm của bão để tránh tâm lý chủ quan trong chỉ đạo, điều hành và phòng tránh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải duy trì chế độ trực ban nghiêm túc 24/24h, căn cứ vào các bản tin dự báo cập nhật liên tục từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để kịp thời đưa ra chỉ đạo cụ thể.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông tổ chức cập nhật thường xuyên thông tin về vùng nguy hiểm trên biển, đặc biệt tại các khu vực có nhiều tàu thuyền đang hoạt động, để ngư dân kịp thời đưa phương tiện vào nơi trú tránh an toàn. Đồng thời, cần kiểm tra gấp hệ thống đê điều tại những khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, nơi hiện còn nhiều tuyến đê chưa được hoàn thiện, cần tu bổ khẩn cấp trước khi bão đổ bộ.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý các đài khí tượng thủy văn khu vực phải tăng cường năng lực dự báo, công bố cụ thể khu vực có nguy cơ chịu tác động của triều cường, lũ ống, lũ quét, ngập úng, nhất là phía Tây Thanh Hóa và Bắc Nghệ An. Trên cơ sở đó, địa phương cần xác định chính xác từng khu vực nguy hiểm trên bản đồ hiện trạng, triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.

“Ngoài các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần phải diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... Có như vậy, người dân mới hình dung được mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh,” Phó Thủ tướng lưu ý.

Tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương phải tính toán kỹ lưỡng phương án cưỡng chế sơ tán dân nếu cần thiết.

“Bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm yêu cầu và để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do chủ quan, lơ là trong chỉ đạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo về diễn biến bão số 3 và dự báo tình hình trong những ngày tới. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo về diễn biến bão số 3 và dự báo tình hình trong những ngày tới. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các xã khẩn trương rà soát, xác định rõ các khu vực trọng điểm, đặc biệt là những vị trí có nguy cơ cao như ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Từ đó, bố trí tập trung nhân lực, phương tiện và trang thiết bị tại chỗ, tránh tình trạng phân tán lực lượng dẫn đến lúng túng, chậm trễ và nguy hiểm trong công tác ứng cứu khi bão số 3 đổ bộ.

“Cần bảo đảm thông tin liên lạc được duy trì thông suốt, thiết lập cơ chế chỉ huy điều hành tập trung, thống nhất, tương tự như cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, để xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp xảy ra trên địa bàn,” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Bão đổ bộ vào ngày 22/7

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 21/7, bão Wipha sẽ đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 10–11, giật cấp 14. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn cho biết, từ tối 21/7, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ có gió mạnh cấp 7–9, giật cấp 10–11, sóng biển cao từ 3 đến 5 mét. Đáng lưu ý, sóng lớn kết hợp với triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng các khu vực trũng thấp ven biển, đặc biệt tại Quảng Ninh và Hải Phòng trong các khung giờ trưa và chiều từ ngày 21 đến 23/7.

Do bão có phạm vi ảnh hưởng rộng, lệch về phía Tây và Nam, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất. Trên đất liền, từ đêm 21/7, khu vực ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ có gió mạnh dần lên cấp 7–9, giật cấp 10–11. Ở sâu trong đất liền, gió đạt cấp 6–7, giật cấp 8–9. Vùng gần tâm bão, gió mạnh cấp 10–11, giật cấp 14.

Để chủ động ứng phó, Cục Khí tượng Thủy văn đề xuất các tỉnh ven biển Bắc Bộ thực hiện lệnh cấm biển từ 10 giờ sáng 21/7, và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ 14 giờ cùng ngày. Đồng thời, yêu cầu các địa phương hoàn thành công tác phòng, chống bão tại các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản trước đêm 21/7, rạng sáng 22/7.

Bão số 3 cũng sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh bắt đầu từ ngày 21/7. Đáng chú ý, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to trong các ngày 21–23/7, với lượng mưa phổ biến từ 200–350mm, có nơi vượt 600mm. Các khu vực khác lượng mưa dao động từ 100–200mm. Cảnh báo có thể xuất hiện mưa cường suất lớn, với lượng mưa lên tới 150–200mm chỉ trong 3 giờ.

Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm nạn nhân trong vụ tai nạn lật tàu tại Quảng Ninh. Ảnh: VGP.

Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm nạn nhân trong vụ tai nạn lật tàu tại Quảng Ninh. Ảnh: VGP.

Từ ngày 21 đến 24/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên từ 3–6 mét. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, đô thị và khu dân cư tập trung.

Nhằm tăng cường khả năng cảnh báo, Cục Khí tượng Thủy văn sẽ nâng tần suất quan trắc lên 30 phút/lần tại các trạm đảo trong khu vực Vịnh Bắc Bộ kể từ chiều 20/7; đồng thời tăng cường quan trắc 30 phút/lần tại các trạm ven biển và trên đất liền thuộc các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh từ chiều 21/7.

Ngoài ra, các trạm đo di động sẽ được triển khai bổ sung tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên. Một số trạm khí tượng thủy văn trọng điểm cũng sẽ được trang bị điện thoại vệ tinh để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong trường hợp hệ thống viễn thông thông thường bị ảnh hưởng bởi bão.

Tuy cơn bão số 3 chưa vào bờ song dông lốc đã gây thiệt hại nặng nề và mất mát đau lòng. Ngày 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 số hiệu QN-7105 chở khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long. Khoảng 14 giờ tàu gặp gió mạnh và bất ngờ bị lật úp. Đến 1 giờ 40, ngày 20/7, lực lượng chức năng trục vớt được tàu và tìm thấy 45 người, 10 người sống và 35 người đã tử vong.

Chiều 19/7, dông lốc diễn ra trên diện rộng đã làm sập đổ, tốc mái một số ngôi nhà của người dân và làm nhiều cây to bị đổ gãy, qua đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều xã, phường của tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, tại Hà Nội, trận giông kèm gió giật mạnh và mưa lớn kéo dài từ chiều đến tối 19/7 đã khiến hàng trăm cây xanh bật gốc, gãy đổ trên địa bàn thành phố. Theo thống kê sơ bộ, đến 7h30 sáng 20/7, toàn thành phố đã ghi nhận 941 cây xanh bị đổ và gãy cành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng, giao thông và an toàn đô thị.

Tại tỉnh Phú Thọ, mưa giông ngày 19/7 đã khiến 1 người chết do bị mái tôn bay trúng người tại xóm Cọi Vỉnh, xã Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình cũ). Ngoài ra, mưa lớn kèm gió giật mạnh cũng đã làm hư hỏng, tốc mái 304 nhà dân, 2 nhà văn hóa, 9 trường học và 1 trạm y tế; nhiều cột điện hạ thế và trung thế bị đổ; hơn 10 ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị đổ gãy.

Nhóm PV

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Ứng phó bão số 3: Khẩn trương nhất, quyết liệt nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương ứng phó với cơn bão số 3 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Thủ tướng Chính phủ trao quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho ông Trần Đức Thắng

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho ông Trần Đức Thắng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân công cán bộ xuống địa bàn túc trực phòng chống bão WIPHA

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-MT triển khai phân công cán bộ túc trực ở địa bàn xã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão WIPHA.