Sign In

Bộ nông nghiệp và môi trường ban hành chỉ thị tăng cường đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi trong mùa mưa lũ 2025

12:00 08/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Hà Nội, ngày 8/5/2025 – Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai năm 2024 gây ra và dự báo thời tiết cực đoan tiếp diễn trong năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTNMT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ.

Năm 2024 ghi nhận thiên tai xảy ra trên diện rộng, cường độ khốc liệt. Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) – cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, đã gây ra lũ lịch sử trên 7 tuyến sông lớn, làm hư hỏng hơn 800 điểm đê điều, gây sạt lở, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc, khiến 519 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên tới 89.089 tỷ đồng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025 tiếp tục có diễn biến thời tiết phức tạp, với lượng mưa ở nhiều khu vực cao hơn trung bình nhiều năm.

Trước tình hình đó, Chỉ thị 02 yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Chủ động tổng kết, đánh giá và kiện toàn bộ máy chỉ đạo ứng phó thiên tai theo nguyên tắc “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời hạn. Kiểm tra hiện trạng, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt ưu tiên các điểm xung yếu, chưa được khắc phục từ năm 2024. Tổ chức diễn tập, tập huấn ứng phó sự cố; vận hành thử các công trình thoát lũ, thiết bị xả lũ của hồ chứa; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các cống dưới đê, hồ chứa lớn ảnh hưởng đến vùng hạ du.Phát quang mái, chân đê, giải tỏa vật cản, củng cố công tác tuần tra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các sự cố trong mùa mưa, lũ. Tăng cường dự trữ vật tư, thiết bị ứng phó tại chỗ, đồng thời xây dựng phương án huy động từ Nhân dân và doanh nghiệp trong trường hợp khẩn cấp.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh vai trò chủ trì của Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp báo cáo về Bộ. Việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội tại chỗ trong hộ đê, cứu hộ công trình cũng được đặc biệt lưu ý.

Chỉ thị số 02/CT-BTNMT thể hiện sự quyết liệt, chủ động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong bảo vệ hạ tầng thủy lợi, đê điều quốc gia – nhân tố then chốt đảm bảo an toàn cho người dân, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội trước thiên tai ngày càng cực đoan.

Cổng TTĐT

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ ngành Nông nghiệp và Môi trường

Hà Nội, ngày 6/5/2025 – Sáng nay, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Quân sự – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng lớp “Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tượng 3 năm 2025”. Khóa học kéo dài 12 ngày, tập trung vào các chuyên đề chiến lược trọng yếu như quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và xử lý tình huống trong quản lý nhà nước gắn với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuẩn hóa 5 thủ tục hành chính lĩnh vực giảm nghèo

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có Quyết định số 967/QĐ-BNNMT về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa lĩnh vực giảm nghèo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Chuẩn hóa thủ tục hành chính về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

Trong phạm vi quản lý của Bộ NN-MT, lĩnh vực biến đổi khí hậu có 13 thủ tục hành chính và lĩnh vực khí tượng thủy văn có 10 thủ tục hành chính.