Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng: Không để bất ngờ trước diễn biến cực đoan của bão số 3

20:14 21/07/2025

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng đề nghị địa phương không chủ quan và chủ động mọi phương án ứng phó để hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 3 (bão Wipha) gây ra.

Không để bất ngờ trước bão Wipha

Chỉ đạo công tác phòng chống bão Wipha tại tỉnh Ninh Bình chiều 21/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đánh giá cao tinh thần chủ động của địa phương, song nhấn mạnh yêu cầu không được chủ quan và cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp.

“Chúng ta chỉ còn nửa ngày nữa, phải tính toán tất cả kịch bản có thể xảy ra, không để bất ngờ trước diễn biến cực đoan của bão Wipha”, ông Thắng nói.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nghe báo cáo về tình hình ứng phó bão Wipha tại Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nghe báo cáo về tình hình ứng phó bão Wipha tại Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn liên tục cập nhật đường đi và mức độ ảnh hưởng của bão Wipha, cơn bão đang tiến vào đất liền với tốc độ nhanh, khó dự báo ngay từ đầu. Trong bối cảnh đó, các địa phương triển khai sớm các phương án phòng, chống. Ông ghi nhận sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang, công an và dân quân tự vệ.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Thắng cũng lưu ý những nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với hệ thống hạ tầng điện, hồ đập, sản xuất nông nghiệp và an toàn tính mạng của người dân.

"Nếu gió giật cấp 11-12, trụ điện có thể bị gãy đổ, gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến các khu công nghiệp, nhà máy. Mất điện là mất điều hành, mất cả khả năng ứng phó”, ông cảnh báo.

Quyền Bộ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Bình rà soát các phương án đảm bảo điện dự phòng cho các cơ sở trọng yếu và có kế hoạch hỗ trợ người dân ứng phó sau bão, đặc biệt tại các vùng ven biển dễ bị tổn thương bởi gió giật mạnh.

Ông chia sẻ, từng chứng kiến siêu bão Yagi hồi cuối 2024, đã thổi mái tôn nặng hàng trăm kilogram bay xa hàng trăm mét, cho thấy mức độ khó lường của thiên tai. “Biển không có vật che chắn, nếu không lường trước, hậu quả sẽ rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Về công tác phối hợp, Quyền Bộ trưởng khẳng định Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cử lực lượng thường trực sẵn sàng hỗ trợ tỉnh, cả trong ứng phó khẩn cấp lẫn khắc phục hậu quả sau bão. “Bộ luôn ở đây, cùng địa phương và người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông bày tỏ.

Dự kiến, sau khi đổ bộ vào khu vực từ Hải Phòng đến Ninh Bình, bão Wipha sẽ di chuyển sang khu vực tỉnh Thanh Hóa, rồi đi sang Lào. Tuy nhiên, lượng mưa lớn sau bão được nhận định sẽ tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Ông Thắng đề nghị tỉnh Ninh Bình và các địa phương lân cận không chỉ tập trung vào thời điểm bão đổ bộ mà còn phải chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở, ngập úng và lũ quét sau đó.

“Dự báo từ nay đến cuối năm còn nhiều cơn bão, mức độ thế nào chưa rõ, nhưng xu hướng thời tiết cực đoan là chắc chắn. Chúng ta phải coi việc ứng phó thiên tai là thường xuyên, không thể bị động nữa”, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chuyến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Ninh Bình nằm trong kế hoạch tổng hợp tình hình thực tế tại các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, nhằm phục vụ báo cáo cho Chính phủ trong công tác điều hành thiên tai năm nay. Ông Thắng đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Ninh Bình và đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì chế độ trực ban 24/7, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng kiểm tra tại công tác ứng phó bão số 3 tại Ninh Bình chiều 21/7. Ảnh: Bảo Thắng.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng kiểm tra tại công tác ứng phó bão số 3 tại Ninh Bình chiều 21/7. Ảnh: Bảo Thắng.

Tập trung rà soát các dự án

Tại buổi kiểm tra chiều 21/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đã thị sát tại cảng cá Quần Thịnh, kè Hải Thịnh 2 đang thi công và tuyến đê biển Cồn Tròn.

Qua thực tế, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, Ninh Bình cũng như một số địa phương đã được Bộ phân bổ vốn để triển khai các dự án phục vụ phòng chống thiên tai, nhưng vẫn gặp vướng mắc, đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng. 

Theo ông, trách nhiệm thuộc về Bộ, nhưng việc tổ chức thực hiện được giao cho địa phương. “Chỉ có địa phương mới tháo gỡ được các vướng mắc thực địa, không thể trông chờ vào Trung ương", ông nói.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương sau đợt bão này phải rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện, đặc biệt với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. 

Trong bối cảnh thời gian còn lại của năm 2025 không nhiều, tiến độ giải ngân tại một số tỉnh hiện chưa theo đúng kế hoạch, việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, cũng như khả năng bố trí ngân sách cho giai đoạn tiếp theo. Ông Trần Đức Thắng cho rằng, khi biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến phức tạp, hạ tầng thủy lợi và công trình phòng chống thiên tai phải được đầu tư kịp thời, hiệu quả.

Toàn bộ tàu thuyền tại cảng cá Quần Vinh đã vào khu neo đậu an toàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Toàn bộ tàu thuyền tại cảng cá Quần Vinh đã vào khu neo đậu an toàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Tiếp thu ý kiến của Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến khẳng định, đã có phương án cắt cử cán bộ chuyên ngành xuống trực tiếp hỗ trợ tại các xã trọng điểm, xung yếu, nhất là khi mô hình chính quyền hai cấp vừa vận hành.

"Chúng tôi đã làm việc với các địa phương và nhận thấy, một số xã sau sáp nhập còn tương đối lúng túng", ông Tiến chia sẻ. Tính đến chiều 21/7, Cục đã cử cán bộ xuống địa bàn 3 xã, trực tiếp kiểm tra kho vật tư, các phương tiện ứng phó theo đúng phương châm "4 tại chỗ": chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Trước đó, sáng 21/7, Cục đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công văn số 4622/BNNMT- ĐĐ, gửi UBND các tỉnh, thành phố có tàu thuyền đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, đề nghị khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện kêu gọi, hướng dẫn hoặc có biện pháp cưỡng chế để đưa các tàu thuyền nêu trên về bờ neo đậu.

Theo thống kê sơ bộ, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có gần 30.000 lồng bè; gần 4.000 chòi canh nuôi trồng thủy sản; gần 150.000 ha nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ. Trong sáng 21/7, Cục đã cử nhiều đoàn đi kiểm tra, yêu cầu các chủ lồng bè, chòi canh thực hiện việc di dời vào nơi an toàn.

*Cũng trong ngày 21/7, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng chống bão Wipha tại tỉnh Quảng Ninh. 

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, hồ chứa, đê điều, trạm bơm tiêu úng và hệ thống thông tin liên lạc. Ông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai phương án dự phòng, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến cơ sở.

Nhấn mạnh tinh thần khẩn trương nhưng không hoảng loạn, chủ động nhưng không chủ quan, Thứ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục rà soát kỹ các phương án đã chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ.

Bảo Thắng - Quang Dũng - Phạm Hiếu