Chủ động để giảm thiểu rủi ro mùa vụ trong tháng 7-9

10:00 10/07/2025

Tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là cao điểm vụ mùa ở nhiều vùng trên cả nước. Dự báo thời tiết nhìn chung thuận lợi cho sản xuất, nhưng vẫn có những yếu tố làm gia tăng sâu bệnh gây hại và có thể xuất hiện thời tiết cực đoan.

Nguy cơ bùng phát sâu bệnh hại

Trong thông báo và dự báo khí tượng nông nghiệp mới nhất, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định, hiện tại, lúa vụ mùa ở miền Bắc đang ở giai đoạn gieo cấy và hồi xanh. 

Tại Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cây lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, đợt mưa lớn trong nửa cuối tháng 6 đã khiến nhiều diện tích tại các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa bị ngập úng, đổ ngã. Riêng tại Nam Bộ, lúa đang ở giai đoạn làm đòng và trỗ bông - thời kỳ rất nhạy cảm với thời tiết bất lợi.

Các loại sâu bệnh tiếp tục phát sinh và phát triển mạnh. Trên cây lúa, bên cạnh các dịch hại thường gặp như đạo ôn lá, rầy nâu và bạc lá, đã xuất hiện các đối tượng nguy hiểm hơn như đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, đen lép hạt, sâu năn và ốc bươu vàng, đặc biệt gây hại nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Ngoài ra, sâu keo mùa thu được ghi nhận tại một số tỉnh miền núi và duyên hải, trong khi bệnh đốm nâu đang ảnh hưởng đến năng suất thanh long ở nhiều vùng trọng điểm. Cà phê ở Tây Nguyên tiếp tục chịu tác động của bệnh khô cành và gỉ sắt, ảnh hưởng đến quá trình phát triển quả.

Nông dân chủ động phòng tránh sâu bệnh hại 

Đáng chú ý, trong nửa cuối tháng 6 sang đầu tháng 7, nhiệt độ ban ngày cao kết hợp độ ẩm lớn về đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ ở cả hai miền Bắc – Nam. Nhiều nơi ghi nhận nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và gây áp lực cho hoạt động sản xuất.

Về xâm nhập mặn, dù đã có xu hướng giảm, mặn vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu tại các tỉnh như Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau, đặc biệt tại các khu vực trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Đối với vật nuôi, chỉ số nhiệt độ - độ ẩm (THI) trong nửa đầu tháng 6 cho thấy điều kiện khí hậu gây stress nhiệt cho gia súc, gia cầm, làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi trên toàn quốc.

Khuyến nghị cho sản xuất 

Theo dự báo, từ tháng 7 đến tháng 9, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn có khả năng xuất hiện. Khả năng có thể xuất hiện khoảng 6-7 cơn trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 7-8, tuy nhiên cường độ được dự báo nhẹ hơn năm 2024.

Dù thời tiết không quá cực đoan như các năm chịu tác động mạnh của El Niño hoặc La Niña, nhưng việc theo dõi sát sao dự báo khí tượng, điều chỉnh thời vụ, áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh và nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai là những yếu tố then chốt để bảo vệ sản xuất trong mùa vụ sắp tới.

Cây cà phê cần được bổ sung nước cho giai đoạn phát triển quả

Để hạn chế thiệt hại, các biện pháp kỹ thuật thích ứng theo vùng được khuyến nghị cụ thể. 

Tại trung du và miền núi phía Bắc, lúa và ngô có nguy cơ ngập úng cục bộ trong tháng 7-8. Các địa phương cần đảm bảo tiêu thoát nước tốt trong giai đoạn lúa đẻ nhánh và ngô phát triển thân lá, giữ được mực nước vừa đủ cho giai đoạn lúa làm đòng và trỗ bông.

Khu vực đồng bằng sông Hồng, diện tích sản xuất lúa có nguy cơ ngập cục bộ trong tháng 7 và ngập diện rộng trong tháng 8. Trong vụ mùa, cần đảm bảo hệ thống tiêu thoát nước đặc biệt tại vùng trũng thấp.

Tại Bắc Trung Bộ, một số nơi có thể gặp hạn nhẹ trong tháng 7. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn nước để đủ độ ẩm cho cây phát triển. Với cây lạc, phải đảm bảo đủ nước cho cây con phát triển.

Tại duyên hải Nam Trung Bộ, nguy cơ hạn cục bộ tại các tỉnh ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận. Cây lúa cần được duy trì mực nước hợp lý trong các giai đoạn sinh trưởng. Cây thanh long cần tăng cường tưới bổ sung, chăm sóc sau thu hoạch bằng biện pháp tỉa cành và bón phân hữu cơ giúp phục hồi cây.

Tại khu vực cao nguyên Trung Bộ (Tây Nguyên), khu vực tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Kon Tum cũ) có thể gặp hạn nhẹ đến vừa trong cả 3 tháng (7,8,9). Với cây lúa cần ưu tiên thu hoạch sớm, giữ ẩm trong giai đoạn đẻ nhánh. Cây cà phê cần được bổ sung nước cho giai đoạn phát triển quả; phòng ngừa các bệnh hại như thán thư, rệp sáp; bón phân cân đối.

Tại Đông Nam Bộ, các địa phương cần khuyến cáo nông dân duy trì mực nước thích hợp (3-7cm) để hạn chế sâu bệnh trong các giai đoạn làm đòng và trổ bông. Với thanh long, cần chủ động thoát nước trong tháng 7-9 (khi có nguy cơ ngập cục bộ), đồng thời chăm sóc kỹ trong giai đoạn phát triển và thu hoạch quả để hạn chế bệnh thán thư và hại rệp.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, dự báo khả năng xảy ra ngập úng cục bộ tháng 7-8 và nguy cơ ngập diện rộng trong tháng 9. Cần chủ động giữ mực nước ruộng hợp lý trong từng giai đoạn sinh trưởng; tăng cường tiêu thoát nước ở giai đoạn trổ bông và chắc xanh để hạn chế thiệt hại do úng ngập.

Trung Nguyên