Xây dựng, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền gắn với chính quyền địa phương hai cấp

16:15 03/07/2025

Thực hiện phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức rà soát 1.055 văn bản quy phạm pháp luật (đang còn hiệu lực) và phân loại, xác định rõ 141 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 500 thẩm quyền thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng với hơn 1.000 thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Phân định rõ thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng. Theo đó, đã chuyển toàn bộ thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ UBND các cấp sang cho Chủ tịch UBND các cấp cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quán triệt tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, các Nghị định quy định không phải xin ý kiến các cơ quan trung ương khi thẩm quyền đã được phân quyền, phân cấp cho địa phương (trừ một số trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh, an toàn hồ đập). Về chuyển giao hồ sơ dữ liệu giữa các cơ quan đảm bảo thông suốt trong việc giải quyết các nhiệm vụ (trong thời hạn 03 tháng).

Việc xây dựng, ban hành VBQPPL

Từ kết quả rà soát, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Kế hoạch riêng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, gồm: (1) Nghị định số 131/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; (2) Nghị định số 136/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định phân quyền, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; (3) Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp và phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai (áp dụng đối với thẩm quyền quy định tại các luật, nghị quyết, nghị định, quyết định). Theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 18 Thông tư quy định phân cấp, phân định thẩm quyền trong các VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng pháp luật và đúng thời hạn để thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền cho tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Bộ hiện đang tập trung xây dựng 02 dự án luật: (1) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về nông nghiệp và môi trường, (2) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Hai dự án này sẽ sửa đổi, bổ sung 17 luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường để phục vụ phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10. Bộ đặt mục tiêu hoàn thành về đích sớm hơn 01 năm so với quy định của Luật Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Kết quả phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền

Về phân quyền, phân cấp: Có 315 thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan, người có thẩm quyền được phân quyền, phân cấp tại 03 Nghị định và 18 thông tư nêu trên, cụ thể:

Kết quả phân quyền, phân cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường và chính quyền địa phương:

Phân quyền, phân cấp từ Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường 68 thẩm quyền, nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết của các luật). 

Phân quyền, phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường 48 thẩm quyền, nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch chuyên ngành, quyết định các vấn đề mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ).

Phân quyền, phân cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Chính quyền địa phương 17 thẩm quyền, nhiệm vụ (chủ yếu là các nhiệm vụ cụ thể và trong phạm vi địa bàn một địa phương).

Kết quả phân quyền, phân cấp từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho chính quyền địa phương có 171 thẩm quyền, nhiệm vụ (chủ yếu là thủ tục hành chính và phân quyền, phân cấp cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

Kết quả phân quyền, phân cấp từ chính quyền cấp tỉnh cho chính quyền cấp xã có 11 thẩm quyền, nhiệm vụ (chủ yếu là các nhiệm vụ gắn với địa bàn, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư).

Theo lĩnh vực, có tổng số 17 lĩnh vực có thẩm quyền, nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp (bao gồm các lĩnh vực: thủy sản và kiểm ngư, chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, địa chất và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đê điều và phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, đất đai, viễn thám, thủy lợi, tài nguyên nước, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, môi trường, chất lượng, chế biến nông lâm thủy sản, lâm nghiệp, đất đai).

Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính: Nghị định đã cắt giảm được 987/3.175 ngày, tương đương với 31,08% thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Về phân định thẩm quyền

Phân định 237 thẩm quyền, nhiệm vụ từ chính quyền cấp huyện cho chính quyền cấp xã mới và một phần cho cấp tỉnh, cụ thể:

Chuyển 17 thẩm quyền, nhiệm vụ từ cấp huyện cho cấp tỉnh (chủ yếu là các nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu và đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là tổ chức (Các thủ tục như giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất; giao rừng, cho thuê rừng; cấp giấy phép môi trường; hỗ trợ thiệt hại vượt quá khả năng của xã.v.v); các nhiệm vụ liên vùng, liên xã và thống nhất trên toàn địa phương).

Chuyển 220 thẩm quyền, nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển cho cấp xã (chủ yếu là các nhiệm vụ cụ thể tại địa bàn và đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn: Các thủ tục như giao đất không thu tiền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất cho cá nhân, cộng đồng dân cư; công bố dịch trên địa bàn xã; xác định thiệt hại và đối tượng hỗ trợ trên địa bàn; công nhận và giao quyền quản lý cho cộng đồng trong thủy sản.v.v.).

Theo lĩnh vực, có 15 lĩnh vực có thẩm quyền của chính quyền cấp huyện được phân định (bao gồm: trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư, lâm nghiệp và kiểm lâm, thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, tài nguyên nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, nông thôn mới và giảm nghèo, đất đai).

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính: Nghị định số 131/2025/NĐ-CP cắt giảm 492/1.039 ngày; tương đương với 47,35% thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nghị định số 151/2025/NĐ-CP cắt giảm 165 ngày thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tổ chức thi hành

Ngày 20/6/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2265/QĐ-BNNMT ban hành Kế hoạch tổ chức thi hành các Nghị định quy định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ cũng ban hành và gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 3858/BNNMT-PC ngày 30/6/2025 về tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Theo đó, trong tháng 7 năm 2025, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tập huấn, giải đáp cho địa phương.

Dự kiến, Bộ sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền tại các địa phương.

Bộ cũng đã ban hành Quyết định công bố 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường được phân quyền, phân cấp, phân định theo quy định làm cơ sở cho chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện; bảo đảm không gián đoạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Thành lập Bộ phận thường trực và thiết lập đường dây nóng: Bộ đã có Công văn số 3069/BNNMT-PC ngày 12/6/2025 thành lập Bộ phận thường trực kèm theo đường dây nóng của các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành để tiếp nhận, hướng dẫn giải đáp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lĩnh vực quản lý của Bộ (công khai 56 số điện thoại của thủ trưởng và công chức đầu mối tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị của địa phương).

Về chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên: đề nghị các địa phương thực hiện theo Công văn số 991/BNNMT-QLĐĐ ngày 11/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,

Về sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và môi trường: đề nghị các địa phương thực hiện theo Công văn 2066/BTNMT-TCCB ngày 15/5/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc định hướng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và môi trường thuộc Ủy an nhân dân các cấp phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vữngđề nghị các địa phương thực hiện theo Công văn số 1005/BNNMT-PC ngày 11/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trên đây là thông tin về việc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

 

 

Vụ Pháp chế