Sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như thương hiệu Việt Nam, được bảo hộ, quảng bá và tổ chức sản xuất theo chuẩn quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp cho ý kiến về sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP sáng 4/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã bước sang giai đoạn mới, không thể dừng lại ở quy mô địa phương, mà cần phát triển thành thương hiệu quốc gia được bảo vệ, quảng bá bằng chính sách phù hợp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến về sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP sáng 4/7. Ảnh: VGP.
Theo ông, mỗi sản phẩm OCOP phải kể được một câu chuyện riêng gắn với văn hóa, lịch sử, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. “Dù do hộ cá thể, hợp tác xã hay cộng đồng sản xuất, nếu đạt chuẩn quốc gia thì phải được Nhà nước bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ phát triển ra thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nói. Ông yêu cầu có sự thống nhất trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho OCOP để “bước ra khỏi biên giới Việt Nam, đó là hàng hóa quốc gia".
Từ khi triển khai, OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng sản xuất và thương mại hóa nông sản, giúp sản phẩm Việt tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là về bảo hộ sở hữu trí tuệ, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Chương trình OCOP hiện có 16.855 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 126 sản phẩm 5 sao được công nhận là sản phẩm quốc gia. Tổng số chủ thể tham gia là 9.822, gồm hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và tổ hợp tác. Đáng chú ý, 40% chủ thể là phụ nữ và hơn 17% là người dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, OCOP đã tạo ra sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy tri thức bản địa. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn gặp khó do thiếu vùng nguyên liệu ổn định, khó tiếp cận tín dụng, hạn chế công nghệ và chưa đạt chuẩn quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam (đầu tiên bên trái) phát biểu tại cuộc họp khẳng định, OCOP đã tạo ra sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy tri thức bản địa. Ảnh: VGP.
Một số hệ thống siêu thị nước ngoài đánh giá cao sản phẩm OCOP nhưng vẫn e ngại về khả năng cung ứng. Vì vậy, chương trình sẽ chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng, tăng tính đặc thù, giá trị văn hóa và khả năng cạnh tranh.
Theo định hướng, OCOP sẽ được phát triển thành thương hiệu quốc gia, có hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách hỗ trợ quảng bá và mở rộng thị trường. Các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý, áp dụng công nghệ số và thương mại điện tử.
Đề xuất đánh giá OCOP 3 sao ở cấp tỉnh
Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị sửa đổi Quyết định 148, chuyển thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh. Lý do là đánh giá 3 sao mang tính chuyên môn cao, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nên cần đảm bảo tính khách quan, đồng bộ và chuyên nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị sửa đổi Quyết định 148, chuyển thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh. Ảnh: VGP.
Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương ủng hộ đề xuất này. Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho rằng thẩm quyền cấp tỉnh sẽ giúp bảo vệ uy tín thương hiệu OCOP, vốn được định vị là thương hiệu quốc gia. “Ba sao mà được tỉnh công nhận là mừng lắm. Có thể vất vả một chút nhưng phải chấp nhận để nâng giá trị sản phẩm”, ông chia sẻ.
Dù vậy, một số ý kiến cho rằng nếu phân cấp về cấp xã thì địa phương phải chứng minh được đủ điều kiện về tổ chức, cán bộ và kinh nghiệm, như mô hình đang triển khai tại TP HCM.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất chủ trương sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên nên do cấp tỉnh đánh giá trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo “phải có tổ chức uy tín thẩm định thì mới nâng được giá trị thương hiệu”.
Ông yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Quyết định 148 trình Thủ tướng ban hành, tránh để xảy ra khoảng trống chính sách khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn dài hạn, hội tụ đủ yếu tố chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu cuối cùng là xây dựng hàng nghìn sản phẩm Việt Nam đặc thù, khác biệt, đạt chuẩn quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu.
Hà An