Nghị định số 151/2025/NĐ-CP đánh dấu bước chuyển quan trọng trong phân định trách nhiệm quản lý đất đai giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã. Đây là công cụ pháp lý cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương “phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ” trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như định hướng phát triển bền vững.
Phân rõ vai trò để tránh chồng chéo, đùn đẩy
Từ trước tới nay, việc thiếu rạch ròi về trách nhiệm quản lý đất đai giữa các cấp chính quyền vẫn là một tồn tại phổ biến, dẫn đến hiện tượng chồng chéo, đùn đẩy, hoặc buông lỏng trách nhiệm, gây khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.
Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp; phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai đã kịp thời thiết lập khung trách nhiệm minh bạch, cụ thể hóa từng vai trò, từ UBND cấp tỉnh, cấp xã đến Chủ tịch UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại cấp tỉnh, trách nhiệm của UBND được khẳng định là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong quy hoạch sử dụng đất, quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, kiểm tra tiến độ và hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ đạo, giám sát UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong khi đó, UBND cấp xã, cấp chính quyền gần dân nhất được giao nhiệm vụ sát thực hơn với tình hình cơ sở, như tổ chức lập, điều chỉnh và công bố quy hoạch sử dụng đất cấp xã, tham gia cưỡng chế thu hồi đất, quản lý đất nông, lâm nghiệp được bàn giao, quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển. Đây là những nội dung thực chất, nếu được thực thi nghiêm túc sẽ góp phần hạn chế vi phạm pháp luật đất đai từ gốc, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm ngay tại cơ sở.
Một điểm mới rất đáng chú ý là vai trò, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND cấp xã được xác lập rõ ràng, gắn trực tiếp với những hoạt động cụ thể như tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế giải quyết tranh chấp, tham gia thẩm định giá đất cụ thể, phát hiện và xử lý vi phạm đất đai tại địa phương. Đây là một bước tiến quan trọng trong cá thể hóa trách nhiệm, tránh tình trạng “tập thể chịu trách nhiệm, cá nhân vô can” vốn là rào cản trong công tác thực thi chính sách đất đai nhiều năm qua.
Tương tự, cơ quan chuyên môn về đất đai ở cấp xã – vốn trước đây thường chỉ đóng vai trò “phụ tá” – nay được trao thẩm quyền rõ hơn trong việc tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất, cập nhật biến động địa chính, tham gia hòa giải tranh chấp, phối hợp xác định giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất.
Cùng với đó, các đơn vị sự nghiệp như Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất cũng được quy định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, tạo nên một hệ thống phối hợp chặt chẽ, có tính tự chủ nhưng không tách rời giám sát hành chính.
Bảo đảm tính thống nhất, gắn với giám sát từ nhân dân
Bên cạnh đó, vai trò của Hội đồng nhân dân cấp xã cũng được nhấn mạnh, không chỉ tham dự các hội đồng bồi thường, tái định cư mà còn thực hiện quyền giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sự đồng thuận và minh bạch từ cộng đồng dân cư.
Việc công khai quy hoạch sử dụng đất, tiến độ thu hồi đất, danh sách các dự án chậm tiến độ… thúc đẩy chính quyền điện tử, công khai minh bạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, giám sát và tham gia phản biện chính sách.
Có thể nói, trong bối cảnh nhiều địa phương đang thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chính quyền địa phương hai cấp, việc phân định rõ trách nhiệm như quy định tại nghị định này càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc nhằm thể hiện tư duy quản trị: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy quản lý đất đai công khai, minh bạch, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại hội nghị toàn quốc tập huấn về tổ chức bộ máy cấp xã mới diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kỳ vọng việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ được triển khai một cách chủ động, thực chất và hiệu quả, thực sự đưa bộ máy chính quyền về sát dân, gần dân và phục vụ Nhân dân tốt hơn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trường Giang