Quy chuẩn mới về nước thải chăn nuôi

15:25 25/04/2025

Từ 1/9/2025, các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo nước thải ra môi trường phải theo Quy chuẩn QCVN 62:2025/BTNMT.

Theo Quy chuẩn QCVN 62:2025/BTNMT, các quy định về quản lý nước thải chăn nuôi được nêu rõ như sau: Các thông số ô nhiễm và giới hạn cho phép của chúng trong nước thải chăn nuôi từ các dự án đầu tư hoặc cơ sở chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận phải được quy định cụ thể trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc văn bản đăng ký môi trường. 

Quy chuẩn đã đưa ra chỉ số về các thông số: độ pH, nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD5 ở 20 độ C); nhu cầu ôxy hóa học (COD), tổng Cacbon hữu cơ (TOC); tổng chất rắn lơ lửng (TSS); tổng Nitơ (T-N); tổng Phốt pho (T-P); tổng Coliform. 

Việc xả nước thải chăn nuôi vào nguồn nước tiếp nhận được coi là đạt chuẩn và tuân thủ Quy chuẩn này khi kết quả kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm không vượt ngưỡ giới hạn cho phép theo quy định của Quy chuẩn.

Chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện quy chuẩn mới về nước thải chăn nuôi từ 1/9/2025. Ảnh: Bảo Khang.

Quá trình đánh giá mức độ tuân thủ Quy chuẩn sẽ được thực hiện bằng cách lấy mẫu nước thải để quan trắc và phân tích trước khi xả thải ra môi trường.

Theo quy định mới, nước thải chăn nuôi khi được đấu nối vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị hoặc khu dân cư tập trung phải đảm bảo đúng yêu cầu của đơn vị quản lý, vận hành hệ thống hoặc tuân theo quy định của chính quyền địa phương.

Trường hợp nước thải chăn nuôi được xả chung với nước thải công nghiệp, cần phải quản lý theo quy định dành cho nước thải công nghiệp tại QCVN 40:2025/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.

Chủ đầu tư dự án, cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm đảm bảo các thông số ô nhiễm không vượt quá giới hạn cho phép theo quy định Quy chuẩn. 

UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát và điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương liên quan đến nước thải chăn nuôi, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, tình hình phát triển kinh tế – xã hội địa phương và các yêu cầu của Quy chuẩn này.

Việc xử lý nước thải chăn nuôi không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật mà còn là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc quản lý nghiêm ngặt nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn mới QCVN 62:2025/BTNMT là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao uy tín và trách nhiệm của các cơ sở chăn nuôi đối với cộng đồng.

Hải Đăng