Kho báu giữa vùng đất ngập nước Xuân Thủy

10:30 08/04/2025

Nằm ở phía Nam của cửa sông Hồng, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) từ lâu đã được biết đến là một vùng đất ngập nước có giá trị sinh thái đặc biệt. Những phát hiện mới đây của các nhà khoa học lại một lần nữa khẳng định hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây không chỉ giàu giá trị tự nhiên mà còn ẩn chứa tiềm năng dược liệu quý hiếm.

Hé lộ tiềm năng mới

Trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học hợp tác giữa Việt Nam và Belarus do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Lưu Đàm Ngọc Anh (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) phối hợp với các chuyên gia từ Vườn Thực vật Trung tâm Belarus (CBG) đã thực hiện đánh giá hiện trạng đa dạng thực vật tại Xuân Thủy. Nhiệm vụ không chỉ nhằm thống kê thành phần loài mà còn hướng đến bảo tồn và phát huy bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, tại Xuân Thủy hiện diện tới 201 loài thực vật bậc cao có mạch – con số cho thấy một hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học hiếm có. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận hai loài thực vật quý hiếm hiện diện trong Sách Đỏ Việt Nam 2024: Cỏ ngạn (Scirpus kimsonensis) thuộc nhóm Nguy cấp (EN) và Cóc đỏ (Lumnitzera littorea) thuộc nhóm Sẽ nguy cấp (VU). Đây là bằng chứng quan trọng về giá trị bảo tồn của khu vực này trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng áp lực lên các vùng đất ngập nước.

Không dừng lại ở đó, nghiên cứu còn hé lộ tiềm năng ứng dụng y học đáng kể của hệ thực vật nơi đây. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật và kháng viêm từ lá và tinh dầu của nhiều loài thực vật bản địa.

Kết quả cho thấy: 12 loài thực vật có khả năng kháng khuẩn, đặc biệt là tinh dầu chiết từ Sphagneticola trilobata có tác dụng ức chế mạnh vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA) – một trong những mối đe dọa lớn nhất trong y học hiện đại. Ngoài ra, chiết xuất từ 22 loài thực vật cũng đã được chứng minh có khả năng kháng viêm, mở ra triển vọng phát triển dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Phân tích docking phân tử – phương pháp hiện đại nhằm dự đoán tương tác giữa các hợp chất và protein – cũng đã chỉ ra rằng một số thành phần trong tinh dầu rừng ngập mặn có liên kết mạnh với protein đích của vi khuẩn S. aureus. Những kết quả này không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen quý mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành dược liệu Việt Nam.

Rừng ngập mặn tại Xuân Thủy đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái ven biển. Ảnh: ITN

Chìa khóa để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước

Vườn quốc gia Xuân Thủy không phải là cái tên xa lạ với giới bảo tồn. Từ năm 1989, nơi đây đã được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar – trở thành điểm Ramsar đầu tiên của Việt Nam và cũng là của cả khu vực Đông Nam Á. Với diện tích hơn 12.000 ha, khu vực này không chỉ là nơi sinh sống lý tưởng của hàng trăm loài chim di cư mà còn là “ngôi nhà” của nhiều loài thủy sinh và thực vật quý giá.

Rừng ngập mặn tại Xuân Thủy đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái ven biển, giảm thiểu tác động của triều cường, nước biển dâng và sóng gió. Đồng thời, đây còn là hệ sinh thái sản sinh lượng lớn sinh khối và là nơi cư trú của khoảng 90% sinh vật biển trong giai đoạn đầu đời – một yếu tố then chốt trong chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Với những phát hiện mới, Vườn quốc gia Xuân Thủy tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị bậc nhất tại Việt Nam. Đây không chỉ là nơi chứa đựng kho tàng đa dạng sinh học quý hiếm, mà còn là “phòng thí nghiệm tự nhiên” phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát triển bền vững.

Cùng với những tín hiệu tích cực từ nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo nguy cơ đến từ việc khai thác tài nguyên không bền vững, ô nhiễm và sự xâm lấn của một số loài thực vật ngoại lai. Đặc biệt, một số loài thực vật đang được bảo vệ lại có biểu hiện sinh trưởng quá mạnh, làm mất cân bằng hệ sinh thái bản địa – một vấn đề mới đang đặt ra bài toán nan giải cho công tác quản lý rừng ngập mặn.

Tiến sĩ Lưu Đàm Ngọc Anh nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu, đánh giá và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học là chìa khóa để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước trong tương lai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, chúng ta cần hành động nhanh chóng và hiệu quả để không đánh mất những báu vật sinh học đang hiện hữu”.

L.Nhi