Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng để cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách thông qua việc áp dụng chính sách thuế thuốc lá hiệu quả hơn.
Theo nghiên cứu của WHO, nếu giữ nguyên thuế suất hiện tại, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành dự kiến sẽ tăng đáng kể, kéo theo gần 2,5 triệu người hút thuốc mới vào năm 2030 do sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc và tăng trưởng dân số. Đồng thời, nguồn thu thuế từ thuốc lá gần như không thay đổi.
Trong khi đó, phương án 2 của Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt do Bộ Tài chính đề xuất, áp dụng mức thuế 75% cộng với 10.000 đồng/bao vào năm 2030 mang lại tác động đáng kể hơn.
Theo đó, nó sẽ giúp giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống còn 37,5%, tương ứng giảm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc trưởng thành so với phương án trên. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số trong cùng giai đoạn, tổng số người hút thuốc vẫn không thay đổi đáng kể so với năm 2020. Về mặt tài chính, phương án này mang lại mức thu thuế tăng thêm 21.800 tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030.
Mặc dù vậy, cả hai phương án đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa đủ mạnh để đạt được các mục tiêu y tế.
WHO khuyến nghị để đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đến năm 2030 và tạo thêm nguồn thu ngân sách chính phủ, thuế tuyệt đối cần được áp ở mức cao tối ưu nhất có thể ít nhất là 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%.
Phương án này được kỳ vọng mang lại lợi ích vượt trội
Cụ thể, tỷ lệ nam giới hút thuốc sẽ giảm xuống còn 35,8%, tương đương với việc giảm hơn 696.000 người hút thuốc so với năm 2020, đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá. Không chỉ vậy, nguồn thu ngân sách cũng sẽ tăng thêm 29.000 tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030, cao hơn khoảng 25% so với phương án 2.
Phương án này cũng giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức 65,3% vào 2030, gần đạt mức khuyến nghị của WHO.
Nguyễn Đăng