Với 84% diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp, gần 62% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam luôn xác định chính sách đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển nông nghiệp.
Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW đưa ra các quan điểm chỉ đạo để hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp. Các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được thể chế hóa trong Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Xin ông cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW đã có những định hướng gì về chính sách đất đai trong nông nghiệp?
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; bước đầu khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất tuỳ tiện, tràn lan. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp.
Một số tồn tại trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp cũng đã được chỉ ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII như: Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển, đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều hay các vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh…
Trên cơ sở trên, Nghị quyết 18-NQ/TW đưa ra các quan điểm chỉ đạo để hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp như: Không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với từng vùng, địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất.
Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền.
Các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được thể chế hóa trong Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vậy Luật Đất đai 2024 và những văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế chính sách này ra sao thưa ông?
Trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã có những nội dung đổi mới quan trọng đối với chính sách về đất nông nghiệp.
Về hạn mức giao đất, Luật kế thừa quy định về hạn mức giao đất của Luật Đất đai qua các thời kỳ, giữ ổn định hạn mức giao đất theo đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo đó, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Hạn mức giao đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất.
Về thời hạn sử dụng đất, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất (đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất) với thời hạn là 50 năm, khi hết thời hạn, thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định mà không phải làm thủ tục gia hạn. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất… Đồng thời, cũng có quy định, nếu người sử dụng đất có yêu cầu xác nhận thời hạn sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận cho họ.
Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Luật cũng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.
Quy định người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bổ sung quy định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt; nộp một khoản tiền theo quy định để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề. Cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.
Bổ sung quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động tập trung, tích tụ đất đai đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn tập trung trong nông nghiệp.
Có thể nói các quy định của Luật Đất đai đã thể chế hóa các định hướng chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, là nền tảng pháp lý quan trọng cho người sử dụng đất nông nghiệp phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Thực tế, sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích (có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch) đã được triển khai ở nhiều địa phương. Vậy quy định mới của Luật sẽ tạo thuận lợi thế nào cho ngành nông nghiệp, thưa ông?
Sử dụng đất kết hợp đa mục đích là một trong những quy định mới quan trọng của Luật Đất đai, trong đó có quy định cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các điều kiện nhất định để tránh lạm dụng chuyển mục đích sử dụng đất. Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích. Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước… Sử dụng đất kết hợp đa mục đích sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho ngành nông nghiệp.
Đầu tiên là việc sử dụng đất kết hợp đa mục đính sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, cho phép người sử dụng đất thu được giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích.
Thứ hai là việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với các mục đích khác sẽ phát huy cao hơn các giá trị của sản xuất nông nghiệp, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đến gần hơn với thị trường và người tiêu dùng. Ví dụ như kết hợp du lịch với sản xuất nông nghiệp chúng ta sẽ khai thác được các giá trị của nông nghiệp phục vụ du lịch và ngược lại du lịch sẽ giúp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường và đến người tiêu dùng.
Thứ ba là việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích còn giúp bảo vệ và duy trì hệ sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, tạo không gian xanh cho các hoạt động được kết hợp. Pháp luật cũng quy định việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đảm bảo các yêu cầu không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất của Luật Đất đai; phải đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường.
Thứ tư là việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích cho phép đơn giảm hóa thủ tục hành chính. Người sử dụng đất kết hợp không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Đất nông nghiệp được bảo vệ chặt chẽ, người sử dụng đất vào mục đích kết hợp phải bảo đảm yếu cầu không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính.
Cuối cùng là việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích cho phép người sử dụng đất chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sản xuất theo nhu cầu thị trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả nhằm phát huy giá trị cao nhất trên mỗi đơn vị diện tích.
Chính sách đất đai có khuyến khích ruộng đất để sản xuất quy mô lớn như thế nào, thưa ông?
Luật Đất đai có các quy định cho phép tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đối với tổ chức kinh tế: Luật quy định cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Điều kiện nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. Trong phương án sử dụng đất nông nghiệp phải nói rõ địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất và tiến độ sử dụng đất.
Đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì ngoài việc được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp còn được được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp muốn nhận quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp đã được mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất như đã nói ở trên.
Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể về hình thức, nguyên tắc thực hiện tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp. Theo đó, tổ chức, các nhân sử dụng đất nông nghiệp có thể thực hiện tập trung đất nông nghiệp quy mô lớn thông qua các phương thức chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất hoặc thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Như vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã có các quy định cụ thể về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; đồng thời có các quy định cụ thể về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trường Giang (thực hiện)