Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã rà soát, xây dựng cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Song, quá trình triển khai tại địa phương đang đối diện nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và những giải pháp linh hoạt.
Khó khăn về quỹ đất
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, thực hiện Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND, Nghị quyết số 84/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đã xác định các khu vực nội thành của 12 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Theo đó, các cơ sở chăn nuôi nằm trong vùng cấm sẽ được hỗ trợ di dời từ ngày 28/4/2023 đến 31/12/2024, với mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/cơ sở, tùy theo quy mô. Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách tỉnh. Nếu có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, các hộ chăn nuôi có thể lựa chọn chính sách phù hợp nhất.
Tại thành phố Sơn La có 55 khu vực cấm chăn nuôi, các huyện như Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu… cũng có những khu vực bị cấm. Theo Nghị quyết, các cơ sở chăn nuôi nằm trong vùng cấm sẽ được hỗ trợ di dời từ ngày 28/4/2023 đến 31/12/2024, với mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 50 triệu đồng/cơ sở, tùy theo quy mô. Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách tỉnh. Nếu có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, các hộ chăn nuôi có thể lựa chọn chính sách phù hợp nhất.
Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay là việc bố trí quỹ đất cho các hộ, cơ sở chăn nuôi sau di dời, do phần lớn các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính hạn chế. Việc tìm kiếm đất mới không chỉ để chăn nuôi mà còn để ở là rất khó khăn, trong khi chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, chuồng trại mới lại khá cao.
Bên cạnh đó, một số vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ di dời. Hiện Luật Đất đai chưa có quy định cụ thể về loại đất dành cho hoạt động chăn nuôi tập trung, nên việc quy hoạch, giao đất cho các cơ sở gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, việc xác định ranh giới khu dân cư, ranh giới cộng đồng dân cư – căn cứ để xác định khu vực cấm chăn nuôi theo Thông tư số 18/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – hiện cũng chưa thể thực hiện được, khiến việc di dời các cơ sở gặp nhiều hạn chế.
Định hướng chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại
Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho rằng: Hiện nay, Sơn La có hơn 560 trang trại, trong đó, mới có 15 trang trại quy mô lớn, còn lại là quy mô vừa, nhỏ, không tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, cần có định hướng để thu hút các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung, đảm bảo công nghệ chuồng trại và quy trình xử lý môi trường.
Trước thực trạng này, tỉnh Sơn La đã giao các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng lại quy hoạch khu vực chăn nuôi, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn, hàng rào pháp lý nhằm loại trừ dần các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo điều kiện môi trường. Tỉnh cũng định hướng thu hút các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chuồng trại và quy trình xử lý môi trường hiện đại.
Trong xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hiện nay, Sơn La khuyến khích mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt nhằm tận dụng phụ phẩm, gia tăng giá trị kinh tế. Song song với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện di dời; đồng thời thúc đẩy xã hội hóa đầu tư hạ tầng các khu chăn nuôi tập trung, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi sản xuất và ổn định đời sống lâu dài.
Nguyễn Nga