Sign In

Nghiên cứu khoa học môi trường, nước, viễn thám phải mang tầm vóc mới

16:15 10/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Nghiên cứu khoa học của lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, viễn thám phải liên kết để mang một tầm vóc mới và giải quyết những vấn đề lớn.

Việt Nam kiên quyết quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá”. Vậy khoa học công nghệ sẽ tham gia vào quá trình giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ra sao?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Phùng Đức Tiến đặt vấn đề, khi phát biểu tại Tiểu ban 3 “Môi trường, Tài nguyên nước và Viễn thám”, thuộc Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, tổ chức ngày 10/5.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến, các đề tài lớn kết nối lại với nhau mới giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Ảnh: Khương Trung.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến, các đề tài lớn kết nối lại với nhau mới giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Ảnh: Khương Trung.

Giải quyết những vấn đề môi trường thực tiễn

“Kinh tế ngày càng phát triển, áp lực lên môi trường ngày càng lớn. Những khu công nghiệp được lấp đầy, chất thải gia tăng. Môi trường sẽ được giải quyết như thế nào?”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi mở.

Theo Thứ trưởng, giải quyết ô nhiễm môi trường chính là tính đến việc giải bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững. Trách nhiệm của các nhà khoa học là đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để xử lý được những vấn đề từ thực tiễn phát sinh như ô nhiễm lưu vực sông, rác thải ở đô thị, nguy cơ ô nhiễm ở các bệnh viện, chất thải nhựa…

Cho rằng bối cảnh kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu đã khác xa so với trước đây, Thứ trưởng nhấn mạnh, thiên tai bất thường, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sụt lún là thực trạng ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt. Những hồ thủy lợi trắng đáy. “Dự báo nguồn nước thế nào? Các công trình thủy lợi đáp ứng ra sao trong bối cảnh mới?”, Thứ trưởng đặt câu hỏi.

Lãnh đạo Bộ NN-MT cho rằng, các nội dung nghiên cứu cần logic với nhau, có những công trình liên thông, tập trung, liên ngành. “Phải thiết lập các nhóm nghiên cứu xuất sắc, các đề tài lớn kết nối lại với nhau mới giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, đã có thị trường tài chính thì cũng cần có thị trường khoa học công nghệ. Ở đó, nghiên cứu khoa học của lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, viễn thám phải liên kết để mang một tầm vóc mới và giải quyết những vấn đề lớn.

Ứng dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả

Theo báo cáo tại cuộc họp của Tiểu ban 3, thời gian qua, các cơ quan thuộc Bộ NN-MT đã nghiên cứu các kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT), chuyển đổi số và thực trạng các sản phẩm thương mại sử dụng trong các lĩnh vực này để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám.

Bộ NN-MT đã nghiên cứu khoa học về công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT) để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám. Ảnh: Khương Trung.

Bộ NN-MT đã nghiên cứu khoa học về công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT) để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám. Ảnh: Khương Trung.

Đối với bảo vệ môi trường, Bộ đã xây dựng vận hành 2 Hệ thống áp dụng công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT) gồm: Hệ thống tiếp nhận, tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và Hệ thống giám sát các trạm quan trắc tự động, công bố chỉ số AQI, dự báo chất lượng môi trường.

Đối với tài nguyên nước, ngay sau Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực, Bộ NN-MT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện và đến nay bước đầu đã hình thành sản phẩm thử nghiệm, gồm: Giám sát tài nguyên nước trên nền tảng IoT (đã cập nhật 11.237 công trình khai thác do địa phương quản lý, 831 công trình do Bộ quản lý); Vận hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên nền tảng công nghệ số và IoT (giám sát và phục vụ điều hòa phân phối tài nguyên nước 11 Quy trình vận hành) và Bản đồ hạn hán thời gian thực trên cơ sở công nghệ số (đã có bản demo hệ thống).

Dựa trên những kết quả đó, các đơn vị sẽ ưu tiên thực hiện đưa được kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ vào cuộc sống. Trong đó chú trọng việc quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong điều hòa, phân phối nguồn nước.

Các đại biểu tham dự Tiểu ban 3, Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong lĩnh vực ngành NN-MT. Ảnh: Khương Trung.

Các đại biểu tham dự Tiểu ban 3, Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong lĩnh vực ngành NN-MT. Ảnh: Khương Trung.

Cùng với đó, có các nghiên cứu phục vụ dự báo nguồn nước, xây dựng kịch bản  nguồn nước để công bố hàng năm. Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến nguồn nước từ 6-9 tháng để làm căn cứ cho các ngành nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp, cấp nước đô thị, điều độ điện quốc gia xây dựng kế hoạch sử dụng nước chủ động.

Trong lĩnh vực môi trường, sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đề xuất các giải pháp công nghệ, mô hình công nghệ trong xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải, công nghệ thu hồi năng lượng từ chất thải, công nghệ quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, hướng tới hình thành và phát triển ngành dịch vụ công nghiệp môi trường.

Tiếp tục nâng cao vai trò, thế mạnh của lĩnh vực viễn thám trong thu thập các thông tin về bề mặt Trái Đất hoặc các thông tin gần bề mặt trái đất thông qua ảnh máy bay, vệ tinh, tàu vũ trụ,… và quá trình xử lý, giải đoán ảnh. Xây dựng hệ thống giám sát thông minh một số lĩnh vực nông nghiệp và môi trường phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

Tống Minh - Khương Trung

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Phát triển khoa học công nghệ: Bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và thực tế

Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng phát triển khoa học công nghệ phải bắt đầu từ vấn đề nhỏ và thực tế.

Nghị quyết 57 như 'hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học

Đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký loạt thỏa thuận về khoa học công nghệ

Sáng 10/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký loạt thỏa thuận hợp tác về phát triển khoa học công nghệ với các hiệp hội chuyên ngành.